Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa công bố báo cáo cho biết, 6 tháng đầu năm nay, hoạt động thị trường bất động sản tăng trưởng âm (giảm 11,58%) so với cùng kỳ trong khi quý I cũng giảm 16,2%. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh này giảm 8,3% so với cùng kỳ. Về nguồn cung nhà ở, tính lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 13 dự án, giảm 27,8% so với 7 tháng đầu năm 2022, với tổng 14.066 căn nhà, căn hộ chung cư 13.033 căn hộ, nhà ở thấp tầng 1.033 căn. Tổng giá trị huy động là 145.351 tỉ đồng. Trong đó, phân khúc cao cấp chiếm 64,1%, phân khúc trung cấp chiếm 35,9% và không có căn hộ nào thuộc phân khúc bình dân.
Bên cạnh đó, chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, nhưng có đến 62 dự án không đáp ứng đủ điều kiện làm chủ đầu tư do vướng mắc pháp lý theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Đầu tư, 55 dự án trong số đó đang xem xét giải quyết thủ tục chấp thuận đầu tư. Đây là điểm nghẽn dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà ở, nhất là thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá vừa túi tiền trên địa bàn.
Chia sẻ quan điểm về thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng, thị trường đã nhen nhóm một số tín hiệu tích cực từ chính sách quản lý. Tuy nhiên, nếu nói thị trường bất động sản hiện nay đã vượt qua khó khăn thì hãy còn quá sớm. Trả lời cho câu hỏi được đặt tại talkshow "Tan Băng Bất động sản – Góc nhìn người trong nghề" do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, xoay quanh câu hỏi thị trường hiện nay đã chạm đáy hay chưa? Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa, ông Trần Khánh Quang chia sẻ, hiện nay biên độ giảm giá bán bất động sản tại các khu vực đô thị lớn trung bình từ 10 -15%, ở các tỉnh ngoại thành vùng ven thì nhiều nơi giảm từ 15 -30%. Ngoài ra, thị trường còn rải rác một số giao dịch bất động sản giảm giá sâu từ 40 – 50% do ngộp tài chính. Mức giảm hiện tại đã là khá sâu, thích hợp để xuống tiền nếu là sản phẩm tốt, pháp lý sạch. Còn nếu người mua cứ tiếp tục ôm kỳ vọng dò đáy bất động sản, chờ giá sẽ hạ xuống mức bằng với giá bán trước các đợt sốt đất thì rất khó.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản hiện nay đang ấm dần lên, tuy nhiên vẫn cần phải có thời gian để thẩm thấu các thay đổi trong chính sách. Thị trường chưa xuất hiện các tín hiệu nào đủ mạnh để kỳ vọng vào cơ hội hồi phục. Bên cạnh đó, mỗi phân khúc, loại hình sẽ có những thời điểm “tan băng” khác nhau. Ví như thị trường căn hộ TP Hồ Chí Minh, nếu nói giao dịch “đóng băng” thì là không đúng mà chủ yếu là do nguồn cung không có nhiều, rổ hàng cao cấp chiếm đa số nên giao dịch có xu hướng lệch pha.
Đa số các chuyên gia dự báo sang năm 2024, phân khúc bất động sản tiêu dùng như nhà ở phục vụ nhu cầu ở thật (giá dưới 50 triệu đồng một m2) và nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp an cư có thể sẽ thu hút sự quan tâm của thị trường, nhưng nhóm bất động sản đầu cơ vẫn sẽ trầm lắng. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định dòng vốn đầu tư bất động sản sẽ được cải thiện trong giai đoạn 2024 - 2026. Lúc này, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư lớn toàn cầu. Đây cũng là thời điểm thị trường được kỳ vọng tăng trưởng. Chu kỳ phục hồi có thể sẽ bắt đầu diễn ra trong nửa đầu năm 2024.