Chỉ 4 ngày sau khi trúng cử chức Chủ tịch, Joan Laporta đón nhận nỗi thất vọng đầu tiên khi Barca dừng chân ở vòng 1/8 Champions League. Dù không xuất phát từ đế chế của ông nhưng thất bại chỉ khẳng định một điều, có quá nhiều việc cần làm.
Đồng thời với chiến thắng, có những chi tiết trọng yếu trong kế hoạch mà Laporta hướng đến. Tuy nhiên, khi bắt tay vào việc thì những vấn đề nảy sinh có thể khiến cả bản kế hoạch bị cất vào ngăn kéo để dựng lên một kịch bản khác.
Laporta vẫn cần Messi trong dài hạn
Theo TNT Sports, Laporta đã cho thấy những gì ông nói về Lionel Messi không phải là lời hứa suông.
Sau khi gọi điện cho cha đẻ và cũng là người đại diện, ngay trong đêm chiến thắng (7.3), tân Chủ tịch 58 tuổi này đã đặt lịch hẹn để nói chuyện với Jorge.
Kênh truyền hình ở Argentina này cho biết, tuần tới Jorge sẽ đáp chuyến bay tới Barcelona để đàm phán cụ thể về các chi tiết trong hợp đồng. Thông tin đáng chú ý nhất được hé lộ đến lúc này là Messi sẽ nhận được hợp đồng có thời hạn 3 năm.
Điều đó cho thấy, trong kế hoạch phục hưng Barca, Laporta cần Messi trong dài hạn chứ không chỉ dùng tên anh làm điểm tựa chiến thắng. Ngay cả khi tiền đạo 33 tuổi vẫn quyết định chia tay thì Laporta vẫn phải thực hiện chiến dịch, chỉ là sự có mặt của M10 dĩ nhiên sẽ giúp công việc của ông nhẹ đi phần nào, thời gian để Barca trở lại đỉnh cao Châu Âu ngắn lại.
Tầm cỡ Barca và có Messi đủ sức thuyết phục những cầu thủ có tham vọng chinh phục, ít nhất là về lý thuyết…
Quan điểm sớm… lệch
Ngay buổi sáng đầu tiên trong tuần đầu tiên trên cương vị mới, Laporta đến thăm huấn luyện viên Ronald Koeman và các cầu thủ trong buổi tập tại Ciutat Esportiva Joan Gamper. Đó chỉ là sự cổ vũ, khích lệ cho đội trước trận lượt về vòng 1/8 Champions League với Paris Saint Germain, nhưng cũng thể hiện rằng, ông thực sự quan tâm đến vấn đề nhân sự.
Từ trước khi Laporta chiến thắng, có những cái tên được nhắc đến như Angel di Maria, Sergio Aguero. Ông cần các cầu thủ Argentina để thuyết phục Messi ở lại, để chia sẻ việc dẫn dắt thế hệ cầu thủ trẻ. Trong khi đó, Koeman vẫn giữ nguyên ý định với Georginio Wijnaldum, Memphis Depay – 2 học trò của ông ở đội tuyển Hà Lan.
Điểm chung là họ sẽ trở thành cầu thủ tự do vào cuối mùa này. Có người chưa được câu lạc bộ đề nghị gia hạn, có người từ chối, chưa đồng ý ngồi vào bàn đàm phán và nhận định được đưa ra là họ cũng chờ diễn biến từ Barca.
Tuy nhiên, đến thời điểm này đã có độ vênh trong quan điểm và cả ngã rẽ khác.
Di Maria đã chính thức ký hợp đồng mới với PSG, Aguero tỏ ra không quá quan tâm, dù được cho là đã nhận được đề nghị từ Barca (họ đề nghị anh giảm lương). Phải chăng 2 cầu thủ ở độ tuổi tương đương Messi không muốn chỉ là cái cớ để đội trưởng của họ ở đội tuyển Argentina ở lại sân Camp Nou? Hơn nữa, họ sẽ ở đâu trong chiến dịch trẻ hóa đội hình của Barca?
Khi Koeman nhất quyết hướng đến Depay thì Laporta cho thấy, ông có thể bỏ ra 100 triệu Euro để theo đuổi Erling Haaland. Chưa hết, theo tờ Sport, Barca còn quyết định thôi không theo đuổi Wijnaldum nữa sau khi phát hiện ra ngay trong chính đội hình của mình tiềm năng lớn từ Ilaix Moriba, tiền vệ mới 18 tuổi và được ví như “Paul Pogba mới”.
Và nếu Koeman không hài lòng, Laporta sẵn sàng thế chỗ ông bằng người khác, với cái tên sớm được xuất hiện là Julian Nagelsmann. Laporta tôn trọng và đánh giá cao công việc của Koeman nhưng không chọn huấn luyện viên người Hà Lan trên khía cạnh cá nhân.
Có phải vì điều Koeman nói ngay trước cuộc bầu cử: “Nếu tân Chủ tịch không có kế hoạch với tôi, chúng ta sẽ có vấn đề, bởi tôi còn 2 năm trong hợp đồng”.