Việc tổ chức các hoạt động Tháng hành động về ATVSLĐ nhằm thúc đẩy công tác phối hợp giữa công đoàn với chính quyền đồng cấp và giữa công đoàn cơ sở với người sử dụng lao động (NSDLĐ) triển khai các chương trình hành động cụ thể nhằm cải thiện điều kiện lao động; tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát các nội quy, quy trình bảo đảm ATVSLĐ, kỹ năng đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ; đẩy mạnh phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ để phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động, Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thông qua thực hiện tốt công tác ATVSLĐ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại nơi làm việc, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh; góp phần khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn, thu hút người lao động (NLĐ) gia nhập công đoàn, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh và tổ chức công đoàn vững mạnh.
Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ phong phú, thiết thực, tập trung hướng về cơ sở, doanh nghiệp và NLĐ, đặc biệt tại các đơn vị thuộc các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao mất ATVSLĐ; thu hút được sự tham gia, phối hợp của các cấp công đoàn, các tổ chức, doanh nghiệp và NLĐ, tránh hình thức, lãng phí. Phấn đấu giảm số vụ và số người bị tai nạn lao động so với các tháng khác trong năm ít nhất 10%.
Các nội dung trọng tâm của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019:
Các hoạt động truyền thông về ATVSLĐ: Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật và kiến thức về ATVSLĐ; giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của NSDLĐ và NLĐ trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về ATVSLĐ trên báo, tạp chí công đoàn, các phương tiện thông tin, mạng nội bộ của đơn vị, doanh nghiệp; Xây dựng, phát hành các ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn về ATVSLĐ tới doanh nghiệp, người lao động; gửi tin nhắn về ATVSLĐ qua điện thoại di động, phát sóng các thông điệp, cảnh báo TNLĐ, BNN; tuyên truyền qua trang Web, mạng nội bộ về các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật về ATVSLĐ.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ: Phối hợp với chính quyền đơn vị tổ chức phát động phong trào thi đua về ATVSLĐ, phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, qua đó thúc đẩy sự tham gia của NSDLĐ và NLĐ trong việc bảo đảm ATVSLĐ; Đẩy mạnh việc phát triển về số lượng, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các cơ sở sản xuất. Tổ chức tập huấn kiến thức về ATVSLĐ và kỹ năng, phương pháp hoạt động cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên; Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; Tổ chức, vận động và động viên, khen thưởng kịp thời đoàn viên, NLĐ có các sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và bảo đảm ATVSLĐ.
Các hoạt động phối hợp giám sát, kiểm tra, thanh tra về ATVSLĐ: Phối hợp với chính quyền đơn vị tập trung vào giám sát, kiểm tra, thanh tra về ATVSLĐ tại đơn vị; chú trọng thanh tra, kiểm tra việc xây dựng các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ; việc đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc; công tác huấn luyện ATVSLĐ, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Tổ chức các hoạt động, sự kiện chuyên đề về ATVSLĐ theo chủ đề, nội dung của Tháng hành động. Các cấp công đoàn chủ động tổ chức hoặc phối hợp tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền, NSDLĐ tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ: Tổ chức thi tìm hiểu về ATVSLĐ, Hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi các cấp; Tổ chức tọa đàm, đối thoại triển khai chính sách với doanh nghiệp, người lao động về ATVSLĐ; tổ chức giao lưu, thăm quan các mô hình điển hình làm tốt về ATVSLĐ; Tổ chức tư vấn, tập huấn, huấn luyện, hội nghị, hội thảo chuyên đề về ATVSLĐ; khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ; Tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 113/KH-CĐDK:
Căn cứ Kế hoạch trên, Các Công đoàn trực thuộc chủ động tham mưu với cấp ủy và phối hợp với chính quyền đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ với các nội dung phù hợp chủ đề và đặc điểm tình hình của đơn vị gắn với chủ đề Tháng ATVSLĐ năm 2019.
Các công đoàn cơ sở phối hợp với NSDLĐ tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 tại cơ sở như: Tổ chức tập huấn về công tác ATVSLĐ cho NLĐ và mạng lưới an toàn vệ sinh viên, bồi dưỡng các kỹ năng nhận diện, đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc, khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động tại các bộ phận, phân xưởng; rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; tổ chức các hoạt động thực hành, thao diễn xử lý sự cố kỹ thuật về ATVSLĐ; tổ chức các cuộc thi, sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc; thi cán bộ, an toàn vệ sinh viên giỏi; thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ, BNN; tổ chức phong trào thi đua về ATVSLĐ, phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc; Hướng dẫn, chỉ đạo các công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, tập trung và hướng về cơ sở, doanh nghiệp và NLĐ; Tổ chức biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” năm 2018.
Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 dự kiến tổ chức cùng với Lễ phát động Tháng Công nhân tại Cụm Khí điện Đạm Cà Mau (hoặc Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn) trong tháng 5 với thành phần: Đại diện Lãnh đạo Bộ Công thương, Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Tập đoàn, Lãnh đạo các công đoàn trực thuộc Công đoàn DKVN và dự kiến khoảng trên 200 công nhân lao động trực tiếp của các đơn vị.
Nhân dịp này, Tập đoàn và Công đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ thành lập đoàn kiểm tra công tác ATVSLĐ tại các đơn vị và tổ chức thăm hỏi người lao động khó khăn, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp suy giảm sức khoẻ từ 31% trở lên tại các đơn vị.