Bà Nguyễn Khánh Chi - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cho biết các cấp công đoàn phối hợp với chuyên môn cùng cấp tổ chức cho đoàn viên, người lao động đi tham quan nghỉ dưỡng và nhiều hoạt động bổ ích khác để họ tái tạo sức lao động, với số tiền khoảng 1.131 tỉ đồng.
Việc nâng cao chất lượng bữa ăn ca được quan tâm, mở rộng phạm vi thực hiện, trở thành hoạt động thiết thực, thường xuyên của công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp. Trung bình mức ăn ca tại các đơn vị là doanh nghiệp tại ngành Ngân hàng từ 27.000 - 35.000 đồng trở lên, kinh phí được chuyên môn hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần (tùy theo từng đơn vị).
Ngoài ra, ban chấp hành công đoàn các cấp phối hợp tham gia giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng các bữa ăn, toàn ngành không có đơn vị nào để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Tính đến nay, số đoàn viên, người lao động được thụ hưởng lợi từ các sản phẩm, dịch vụ theo các thỏa thuận hợp tác của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là trên 88.130 người, với các loại hình liên quan bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, tham gia hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, du lịch.
Đến nay, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đang tiếp tục tìm kiếm thêm các đơn vị cung cấp dịch vụ khác với các điều kiện thụ hưởng cho đoàn viên, người lao động được tốt hơn, ưu đãi nhiều hơn, thiết thực và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 10b/NQ - BCH ngày 12.1.2017 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về nâng cao hiệu quả công tác pháp luật của tổ chức công đoàn trong tình hình mới, trọng tâm là sắp xếp, cơ cấu lại mô hình tổ chức và hoạt động của các trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cả tình hình mới.
Tính đến thời điểm hiện tại, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam có 1 Văn phòng tư vấn pháp luật tại cơ quan thường trực, 7 tổ tư vấn pháp luật tại các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và các tư vấn viên tại các công đoàn cơ sở là những đoàn viên, người lao động nắm vững kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm làm ở các phòng/ban chuyên môn như thanh tra giám sát, kiểm toán nội bộ, ủy viên ban chấp hành… để trực tiếp triển khai thực hiện và theo dõi các vấn đề liên quan đến tư vấn pháp luật tại cơ sở.
Trong nhiệm kỳ 2018–2023, Văn phòng Tư vấn pháp luật Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tham mưu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn Ngân hàng Việt Nam triển khai, hướng dẫn, thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn về pháp luật lao động; về xử lý kỷ luật lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, thang bảng lương, tham vấn về kế hoạch đánh giá mức độ hoàn thành công việc, phương án sử dụng lao động do thay đổi cơ cấu tổ chức… đối với các Ngân hàng nước ngoài chưa có tổ chức công đoàn, như Ngân hàng TNHH MTV HSBC, Citibank N.A, Standard Chartered Việt Nam, Ngân hàng DBS Bank Ltd, Ngân hàng Bangkok Đại Chúng…
Trong đó, có tham gia góp ý bằng văn bản về xử lý kỷ luật lao động đối với 81 trường hợp; 26 văn bản tham gia về nội quy lao động; 11 văn bản góp ý phương án sử dụng lao động, thang bảng lương; tư vấn qua điện thoại gần 300 cuộc…