Thời ấy qua rồi

đỗ phấn |

Thật ngạc nhiên là chữ “công cộng” được dùng phổ biến trong ngôn ngữ hàng ngày nhưng cho đến tận bây giờ vẫn chưa có nổi một định nghĩa thật chính xác.

Đại từ điển tiếng Việt của nhóm Nguyễn Như Ý giải thích: Công cộng là tính từ. Có nghĩa là “chung cho hoặc thuộc về mọi người”. Với hai ví dụ: Chỗ vui chơi công cộng. Hoặc Giữ vệ sinh nơi công cộng. 

Cả hai cách hiểu này đều không đủ nghĩa của chữ “Công cộng”. Nơi công cộng theo những khái niệm này chỉ là những nơi miễn phí rất hiếm hoi trong cuộc sống mà thường thì mọi sinh hoạt ở đấy đều phải trả tiền.

Hà Nội và vài thành phố lớn sau hòa bình 1954 vẫn còn nhiều vòi nước máy công cộng được lắp đặt từ thời Pháp thuộc. Vòi nước công cộng được hiểu là mọi người có thể hứng nước máy sử dụng tùy ý mà không phải trả bất cứ khoản tiền nào. Nó không những chỉ tiện lợi cho dân phố mà cả những người ở xa đến nếu có nhu cầu. Người bán rau, kẻ mới xuống tàu xe là khách thường xuyên của vòi nước công cộng. Đó là một thứ phúc lợi xã hội có thể tính thành tiền được.

Cũng như vậy, ngày ấy Hà Nội cho xây dựng thêm khá nhiều nhà vệ sinh công cộng ở khắp các bến xe, nhà ga và những khu phố đông dân. Đó là những nhà vệ sinh miễn phí hoàn toàn cho người sử dụng. Như vậy, chữ công cộng ở những dịch vụ này mang nghĩa miễn phí là chính.

Thị dân quen với nghĩa này suốt vài chục năm cho đến hết thời bao cấp. Thậm chí còn ví von nó với bộ ấm chén, cái điếu cày ở ủy ban và vài thứ linh tinh khác cũng miễn phí như thế.

Thực ra thì cũng dễ quen. Tiền nước ngày ấy là một khoản rất tượng trưng dân phố nộp theo đầu người. Quãng những năm đầu 1970 tình hình khan hiếm nước sạch lên đến cao độ. Vòi nước công cộng không chảy nữa. Các loại đồng hồ đo nước đều không thể hoạt động với dòng nước chảy nhỏ giọt. Nước máy sinh hoạt thu một khoản rất nhỏ cho cả một số nhà hoặc cơ quan.

Dân phố cuối những năm ’70 đầu ’80 thiếu nước sinh hoạt. Người ta phải nghĩ ra đủ cách. Nhiều hộ dân ngoài mặt phố và nhất là những khu nhà tập thể phải đào vỉa hè lên xây những bể chìm cho ống nước chảy thẳng vào đấy hình thành rất nhiều vòi nước công cộng mà chẳng cần đến cái vòi nào cả.

Nước chảy suốt ngày đêm đã có người chờ múc thường trực. Sáng sớm là những gia đình lấy nước mang về tích trữ trong thùng phuy nhà mình. Gần trưa là rửa rau vo gạo ngay tại chỗ để mang về nấu. Buổi chiều là lũ trẻ và cánh đàn ông ì oạp tắm trên vỉa hè ngay cạnh bể nước. Tối đến là cánh đàn bà giặt giũ buôn chuyện có hôm đến nửa đêm tùy theo tốc độ nước chảy nhanh hay chậm.

Những gia đình bận bịu không kịp lấy nước trữ sẵn thường phải vay hàng xóm. Chỉ hỏi một tiếng thôi để lấy nước dùng và có trách nhiệm đêm đến phải hứng nước đổ trả vào thùng.

Vòi nước công cộng những năm thiếu nước đã làm cho dân phố hình thành tình cảm thân ái đùm bọc với hàng xóm láng giềng. Thứ luôn hiếm hoi ở phố. Người ta có thể biết được việc học hành của lũ trẻ hàng xóm. Biết được những khó khăn hay thuận lợi của hàng xóm và sẵn lòng chia sẻ giúp đỡ. Những đứa trẻ ngổ ngáo nghịch ngợm cũng đến tai phụ huynh ngay lập tức.

Hình như chưa có bao giờ dân phố quay lại sinh hoạt theo kiểu làng xóm hiểu biết và quan tâm đến nhau như thời kỳ này. Và hình như những sinh hoạt như vậy cũng gần với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hơn bao giờ hết.

Nhưng rồi những năm tháng thiếu thốn cũng qua đi. Dân phố lại ai về nhà nấy sống kín đáo như hồi trước chiến tranh. Đó là một nét văn hóa đặc biệt của mảnh đất nghìn năm hun đúc nên chẳng dễ gì mai một. Chẳng còn chiếc vòi nước công cộng nào trên phố nữa. Đơn giản vì chẳng có ai trả tiền cho nó vô tư chảy như thời kinh tế bao cấp. Dân phố cũng chẳng cảm thấy thiếu hụt đi một sinh hoạt đã từng quen thuộc vài chục năm.

Những nơi chốn mang danh “công cộng” giờ đây không còn gắn với khái niệm miễn phí nữa. Sau cái thời nông nổi bồng bột xây dựng gấp gáp chủ nghĩa xã hội người ta buộc phải công nhận rằng cái cần có trước tiên là ý thức sử dụng công cộng.

Công viên, di tích thắng cảnh, khu vui chơi giải trí và nhà vệ sinh công cộng đều là những nơi phải trả tiền mua vé vào cửa. Ta hoàn toàn yên tâm về những đóng góp cho xã hội khi bước chân vào đấy. Đã từng có cụ ông vào nhà vệ sinh công cộng Bờ Hồ mua vé đi tiểu. Lúc ra người soát vé không có tiền lẻ trả lại, ông lão hậm hực quay vào đi nốt chỗ lẻ ấy.

Giờ thì mua vé vào tham quan di tích cũng chưa hẳn đã hết nghĩa vụ. Vào đấy rồi còn phải mua vé thuyền bè, đu quay, thuê ghế ngồi hoặc ô che nắng. Đó là còn chưa kể vài nơi công cộng khác còn thu cả tiền nếu như du khách giơ chiếc máy ảnh cá nhân của mình lên chụp.

Tất nhiên ấm chén ủy ban và vài thứ linh tinh khác về danh nghĩa vẫn là để sử dụng công cộng. Thế nhưng đang yên đang lành mà được ủy ban mời lên uống nước thì hẳn là cũng mất ăn mất ngủ từ khi nhận giấy mời.

8.2018

đỗ phấn
TIN LIÊN QUAN

Danh tính nạn nhân trong cabin xe tải dưới cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Cơ quan Công an đã xác định được danh tính nạn nhân được phát hiện trong cabin xe tải gần khu vực cầu Phong Châu bị sập.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

CLB Thanh Hóa đánh bại Công an Hà Nội tại vòng 2 V.League

HOÀNG HUÊ - MINH DÂN |

Câu lạc bộ Thanh Hóa giành chiến thắng 1-0 trước đội Công an Hà Nội ở vòng 2, qua đó giành 3 điểm đầu tiên ở LPBank V.League 2024-2025.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Thông xe cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau 8 ngày sạt lở

Đinh Đại |

Sự cố về sạt lở đã khiến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC18) không thể hoạt động và mất nhiều ngày để khắc phục.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.

Đánh người đấu giá đất ngay trụ sở UBND thị trấn ở Bình Định

Hoài Phương |

Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đang vào cuộc làm rõ vụ đánh người tham gia đấu giá đất xảy ra tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.

Quảng Nam sẽ xây nhà mới cho cả làng bị họa sạt lở đe dọa

Hoàng Bin |

Quảng Nam sẽ bố trí tái định cư trước Tết cho cả ngôi làng phải di dời khẩn cấp do vết nứt lớn trên đồi cao đe dọa.