20.11 - “một ngày như mọi ngày” của giáo viên mầm non tư thục

Bảo Hân |

Nghỉ làm thời gian dài, nhiều giáo viên mầm non tư thục đã phải đi làm thêm đủ việc để kiếm sống; nhiều người thậm chí còn bỏ hẳn nghề. Cũng vì thế, khác với mọi năm, ngày 20.11 năm nay đối với các cô giáo mầm non tư thục có lẽ sẽ trôi qua rất đỗi bình thường như nhiều ngày khác...

Cắt giảm nhiều khoản chi tiêu  

Hơn 6 tháng nay, chị Nguyễn Huyền Trang - giáo viên một trường mầm non tư thục tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) phải nghỉ ở nhà, không có thu nhập. Nhẩm tính các khoản hỗ trợ, chị Trang nhận được 1,2 triệu đồng từ nhà trường và 2,1 triệu đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Chị Trang cảm thấy chạnh lòng khi biết một người bạn ở trường mầm non công lập vẫn được nhận 3,8 triệu đồng/tháng tiền lương hỗ trợ.

Nghỉ ở nhà trong thời gian dài, chị Trang muốn đi làm thêm một nghề gì đó, nhưng do không tìm được việc gì phù hợp với khả năng chuyên môn của mình nên chị Trang quyết định bán hàng online.

“Tôi bán mặt hàng tinh dầu, nhưng do là “lính mới”, chưa có kinh nghiệm, chưa có nhiều khách hàng nên mỗi tháng tôi chỉ kiếm thêm được vài trăm nghìn đồng” - chị Trang kể.

Chị Nguyễn Huyền Trang bán hàng online để có thu nhập trang trải cho cuộc sống. Ảnh: NVCC
Chị Nguyễn Huyền Trang bán hàng online để có thu nhập trang trải cho cuộc sống. Ảnh: NVCC

Quê ở Yên Bái, chị Trang lên Hà Nội làm giáo viên mầm non đã nhiều năm nay. Dịch COVID-19 ập đến làm cuộc sống của chị vốn đã khó khăn lại càng thêm chật vật. Tháng 3.2021, chị Trang lập gia đình. Hai vợ chồng thuê nhà tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm với giá 4 triệu đồng/tháng. Chồng chị Trang mở cửa hàng cắt tóc, nhưng thời gian vừa qua phải đóng cửa 3 tháng khiến đôi vợ chồng trẻ lao đao.

“Tiền thuê mặt bằng lên tới 16 triệu đồng/tháng; rồi tiền hỗ trợ cho thợ những tháng nghỉ việc khiến khoản tiền 200 triệu đồng mà chồng tôi dành dụm được cũng đã tiêu hết. Có hôm, cả 2 vợ chồng chẳng có một nghìn nào trong người” - chị Trang than thở. Vì quá khó khăn, đôi vợ chồng trẻ nhiều lần phải xin trả chậm tiền nhà.

Thu nhập giảm, phải tiêu lạm vào khoản tiền dành dụm, nữ giáo viên mầm non phải cắt giảm tối đa các khoản chi tiêu hằng ngày. “Tôi hầu như không mua sắm quần áo, các đồ dùng chưa thực sự cần thiết; ăn uống cũng tiết giảm. Trước đây, khi vui hay sinh nhật thì mời bạn bè đến làm một bữa, còn nay thì… cắt hết.

Khi còn có thu nhập, bữa ăn của cả 2 vợ chồng thường có 3 món, khoảng 100.000 đồng/bữa; còn nay chỉ còn 30.000-50.000 đồng/bữa, rút xuống còn 2 món. Hầu hết thức ăn được ông bà nội, ngoại gửi lên hỗ trợ” - chị Trang cho hay.

Nhắc đến ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11) sắp tới, chị Trang chia sẻ, trước đây, dịp này, các cô giáo hay đi ăn tiệc với nhau, rồi nhận quà từ chủ trường; hoặc đi chơi 1, 2 ngày tại địa điểm nào đó trong Thành phố Hà Nội. Năm nay, chắc sẽ chỉ có những lời chúc từ xa cho nhau mà thôi...

2/10 giáo viên nghỉ việc  

Trường Mầm non Họa Mi (huyện Đông Anh, Hà Nội) có 10 giáo viên thì đến thời điểm này, 2 giáo viên đã xin nghỉ việc vì trường đóng cửa lâu quá, các cô giáo không chịu được đến lúc đi làm trở lại. “Các cô nghỉ việc đã chuyển sang nghề đi bán quần áo; những cô còn lại vẫn ở nhà trông con hoặc đi bán hàng online để kiếm thêm thu nhập” - chị Nguyễn Huyền Thư, Chủ trường cho hay.

Trước đây, trường mầm non này có 2 cơ sở. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch, chủ trường đã quyết định đóng cửa một cơ sở. Cơ sở còn lại không phải thuê mặt bằng nên chủ trường đỡ nhiều chi phí. Tuy vậy, áp lực cuộc sống cũng đè nặng lên người đứng đầu cơ sở này. Bản thân chị Thư cũng phải đi bán hàng online để kiếm sống, mỗi tháng được khoảng 2-3 triệu đồng.

Thấu hiểu nỗi khó khăn của các cô giáo mầm non đang bị nghỉ việc, nhưng chị Thư cũng đành lực bất tòng tâm. “Nhà trường không có nguồn thu nên không thể hỗ trợ các cô. Vừa rồi, một số cô được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nên có chút tiền chi tiêu” - chị Thư cho hay.

Dù khó khăn như vậy, nhưng ngày 20.11 này, chị Thư dự định sẽ gặp và trao một chút quà để động viên tới các cô, mong các cô sớm được quay trở lại làm việc, có thu nhập, giúp cuộc sống bớt đi phần nào khó khăn.

Bảo Hân
TIN LIÊN QUAN

Bạc Liêu: Tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi từ ngày 20.11

NHẬT HỒ |

Bạc Liêu – Trong đợt tiêm vaccine này, ưu tiên cho đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi. Tỉnh Bạc Liêu cũng chưa ấn định thời gian cụ thể cho học sinh đến trường học trực tiếp.

Không huy động tiền từ phụ huynh để tổ chức ngày 20.11

LÊ PHI LONG |

Quảng Bình - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, điều kiện kinh tế còn khó khăn, yêu cầu tuyệt đối không huy động nguồn lực tài chính từ học sinh và cha mẹ học sinh để sử dụng phục vụ các hoạt động kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11).

Kê biên khối bất động sản khủng của bà chủ Xuyên Việt Oil

Việt Dũng |

Mai Thị Hồng Hạnh - bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil - bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 1.400 tỉ đồng nên cơ quan chức năng đã kê biên hàng chục bất động sản.

Cấp dưới Trương Mỹ Lan khai: Không ngờ hậu quả quá lớn

Tú Tâm |

TPHCM - Tại phiên xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, trong phần thẩm vấn, nhiều cấp dưới thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.

Sắp triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương

Xuyên Đông |

Ngày 20.9, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương trong năm 2025.

Lào Cai phạt quán ăn tăng giá bất thường mùa mưa lũ

Đinh Đại |

Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã tiến hành lập biên bản và xử phạt cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại huyện Bảo Thắng.

Trường sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm học sinh Thanh Hóa nghỉ học

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Do ảnh hưởng của mưa bão, một trường học đang xây dựng thì bị sạt lở nghiêm trọng. Ngay sau đó, ngành chức năng đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học.

Miền Bắc sắp mưa rất to, có nơi vượt mốc 150mm

AN AN |

Cơ quan khí tượng dự báo khu vực đồng bằng Bắc Bộ sắp đón một đợt mưa; đặc biệt ngày 22.9 có nơi mưa rất to vượt mốc 150mm.