Miễn thuế thu nhập cho công nhân, nhưng BP... bỏ túi (?)
Ngày 19.5.1988, Hợp đồng phân chia sản phẩm khai thác dự án khí Nam Côn Sơn (lô 06.1) được ký kết giữa Việt Nam, Ấn Độ và BP, tại điều XVI đã quy định: “Nhà thầu, nhà thầu phụ, nhân viên của họ và những người cung cấp nguyên liệu, phụ tùng thay thế, vật tư, dịch vụ... cho hoạt động dầu khí sẽ được miễn trả thuế, phù hợp với pháp luật Việt Nam, hiện tại và sau này, các loại thuế công ty, thuế thu nhập, hoặc các thứ thuế khác đánh trên thu nhập hoặc trên cơ sở thu nhập ở Việt Nam...”. Như vậy, lẽ ra các nhân viên Việt Nam, khi làm việc cho BP trên giàn khoan thuộc lô 06.1 (thềm lục địa Việt Nam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phải được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, suốt thời gian dài, từ năm 2003 - 2008, BP đã giấu nhẹm, không thông báo cho công nhân (CN) là người Việt Nam biết rằng họ được miễn thuế thu nhập cá nhân. Trái lại, BP tự tiện cắt, khấu trừ một phần tiền lương của mỗi CN tại lô 06.1, coi như trừ thuế thu nhập cá nhân. Tổng số tiền lương mà BP đã tự cắt, khấu trừ của tập thể CN làm việc cho BP (trong đó có 43 CN trên giàn khoan lô 06.1) là trên 22,3 tỉ đồng, từ năm 2003-2008. Giữa năm 2009, khi biết được BP cắt, khấu trừ khoản tiền lương trên, có 35 CN đã gửi đơn kiện BP đòi lại tiền lương.
Song thay vì phải trả lại tiền lương do khấu trừ sai cho CN, BP lại biện bạch không đúng quy định của luật pháp nhằm giành bằng được khoản tiền 22,3 tỉ đồng về cho mình. Cụ thể: Ngày 4.1.2010, đại diện cho BP Exploration Operating (tức Tập đoàn dầu khí BP) - bà Trần Thị Diệu Lê trả lời Toà án Nhân dân (TAND) quận 2 (TPHCM) rằng, điều khoản XVI của Hợp đồng phân chia sản phẩm “cho phép các nhà đầu tư lô 06.1 được miễn khỏi tất cả các loại thuế...; trong đó có thuế thu nhập cá nhân”.
Nhưng theo bà Lê, việc miễn thuế thu nhập cá nhân trên “không dành cho các cá nhân” (?), mà “quyền lợi về miễn thuế và các ưu đãi này là dành cho nhà thầu (tức BP)”. Vào tháng 11.2009, BP đã có nhiều văn bản tranh cãi với các cơ quan chức năng Việt Nam để giành bằng được về cho mình khoản tiền 22,3 tỉ đồng.
Vì sao toà án tự tiện... đổi bị đơn ?
Từ năm 2009, có 35 CN làm việc cho BP trên giàn khoan lô 06.1 đã khởi kiện BP ra TAND quận 2 để đòi khoản tiền lương bị BP khấu trừ trái phép. Nhưng đột ngột, vào tháng 10.2011, BP bán toàn bộ 35% vốn đầu tư tại Việt Nam cho pháp nhân mới là Cty TNK Vietnam B.V (viết tắt TNK). Thay vì phải giải quyết các tồn đọng tranh chấp về tiền lương cho CN Việt Nam, BP lại chối trách nhiệm. Trong lúc đó, TAND quận 2, rồi TAND TPHCM đã tự tiện đổi bị đơn, từ BP thành TNK. Chính vì vậy, đa số CN là nguyên đơn kiện BP đã không chấp nhận TNK là bị đơn trong sự vụ này, dẫn tới hơn 8 năm, các vụ CN kiện BP lâm vào bế tắc, không thể xét xử đến nơi đến chốn.
Ở đây, BP đầu tư vào Việt Nam, ký HĐLĐ với nhiều CN Việt Nam. Mặc dù BP đã rút khỏi Việt Nam và bán cổ phần cho TNK, nhưng không có nghĩa TNK chịu trách nhiệm pháp lý về quan hệ lao động xảy ra trước đó, giữa NLĐ Việt Nam với BP. Ngày 26.7.2012, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) đã xác định tại văn bản số 571/TCNL-TDDK: “Quyền lợi của Cty BP trong PSC (Hợp đồng phân chia sản phẩm-PV) lô 06.1 chấm dứt và Cty TNK tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của Cty BP trong PSC này từ ngày 17.10.2011. Đối với các quyền và nghĩa vụ khác phát sinh trong quá trình hoạt động của Cty BP, Cty BP phải thực hiện theo quy định của pháp luật, hợp đồng có liên quan, trước khi chấm dứt hoạt động tại Việt Nam”.
Trả lời PV Báo Lao Động, luật sư Hồ Nguyên Lễ - trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TPHCM) - nói: “Khoản 3, Điều 56 Bộ Luật Tố tụng Dân sự quy định: Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm. Vì vậy, TNK không thể được coi là bị đơn, khi TNK không có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích của nguyên đơn - là các CN từng làm việc cho BP. TNK càng không thể tình nguyện, nhận mình là bị đơn bất đắc dĩ, khi mà 35 CN không kiện TNK”. Vậy, tại sao suốt thời gian dài, cơ quan luật pháp tại TPHCM tự đổi bị đơn, liệu có vi phạm luật pháp?.