Vận động người lao động gia nhập tổ chức CĐ
Ông Dương Văn Thái - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Thái Nguyên - cho biết, khi doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn, các phòng ban chức năng của Ban Quản lý các KCN hỗ trợ cung cấp thông tin về doanh nghiệp, việc làm, NLĐ... Từ đó, CĐ các KCN nắm bắt doanh nghiệp nào đủ điều kiện thì đặt lịch, tiếp cận NLĐ, tuyên truyền, vận động thành lập CĐCS.
“Chúng tôi dùng loa di động vận động CNLĐ ngay tại nhà ăn ca hoặc đến nói chuyện với họ sau buổi tan tầm, tại khu nhà trọ. Qua các buổi vận động làm sao để NLĐ hiểu được gia nhập tổ chức CĐ có lợi như thế nào, CĐ chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho họ ra sao từ đó NLĐ có sự đồng thuận. Chúng tôi thành lập ban vận động thành lập CĐCS trong doanh nghiệp, khi đó họ tuyên truyền tiếp tới những NLĐ khác và có đơn để tham gia CĐ” - ông Thái nói.
Trong khi có nhiều doanh nghiệp ủng hộ, hỗ trợ việc thành lập CĐCS, tạo điều kiện cho CĐ hoạt động thì cũng có những chủ doanh nghiệp chưa hiểu lợi ích của CĐ nên chưa ủng hộ. “Nhiều khi NLĐ còn tuỳ thuộc thái độ của người sử dụng lao động. Có khi chủ sử dụng lao động tỏ ý chưa đồng thuận thì NLĐ cũng không dám ký đơn gia nhập CĐ. Lúc đó, chúng tôi lại vào cuộc, thuyết phục chủ doanh nghiệp trong đó có cả những doanh nghiệp nước ngoài. Phải làm sao để họ hiểu NLĐ là vốn quý của doanh nghiệp. Khi gia nhập tổ chức CĐ, NLĐ được CĐ chăm lo thì doanh nghiệp cũng có lợi” - ông Thái cho hay.
Ngoài ra để gỡ khó, cán bộ CĐ các KCN thường xuyên bám sát cơ sở, đến trao đổi chủ tịch CĐCS nhưng cũng phải trao đổi với cả giám đốc, lãnh đạo doanh nghiệp, thuyết phục họ tạo điều kiện cho CĐ hoạt động; bố trí thời gian để chủ tịch CĐCS tham gia các hoạt động và triển khai công việc tại cơ sở.
Đảm bảo chế độ cho người lao động
Với sự làm việc năng nổ, nhiệt huyết và trách nhiệm của các cán bộ CĐ, năm 2017, chỉ với 4 cán bộ (gồm cả chủ tịch), CĐ các KCN đã tổ chức khảo sát và tuyên truyền vận động thành lập 11 CĐCS, phát triển mới 4.216 đoàn viên. Đến nay CĐ các KCN quản lý trực tiếp 44 CĐCS, với 8.330 đoàn viên. Bên cạnh đó công tác chăm lo chế độ, chính sách cho NLĐ đã được chủ các doanh nghiệp chú trọng và quan tâm hơn.
“Nhìn chung các chế độ cho NLĐ được người sử dụng lao động thực hiện tương đối đảm bảo theo pháp luật hiện hành. Thu nhập bình quân NLĐ làm việc tại KCN đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng; trong đó khối doanh nghiệp trong nước là 4,2 triệu đồng/người/tháng; khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 4,6 triệu đồng/người/tháng” - ông Thái cho biết.
Tuy vậy, qua giám sát, phối hợp kiểm tra vẫn có trường hợp chưa thực hiện đúng, đủ quyền lợi cho NLĐ. CĐ các KCN đã làm việc trực tiếp với một số chủ doanh nghiệp người nước ngoài đòi quyền lợi chính đáng cho CNLĐ do doanh nghiệp thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ theo quy định pháp luật. Ngoài ra, CĐ cùng các phòng ban chuyên môn đã đẩy mạnh tuyên truyền công tác đảm bảo ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc tại các doanh nghiệp, tiêu biểu là những doanh nghiệp tại KCN Điềm Thụy.
Vào những tháng nước rút cuối năm, CĐ các KCN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, khuyến khích NLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động. Qua đó, giúp NLĐ có lương, thưởng tốt trong dịp tết. CĐ các KCN chỉ đạo các CĐCS chủ động tham mưu với lãnh đạo các doanh nghiệp và chuyên môn đồng cấp thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng, quà cho CNVCLĐ để chuẩn bị cho dịp tết sắp tới. Đặc biệt, không đơn vị nào nợ lương của NLĐ.