- Thưa Chủ tịch, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, Báo Lao Động cần làm gì để góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống một cách nhanh, hiệu quả nhất?
Ngày 12.6.2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chỉ đạo, định hướng đồng thời là cơ sở để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nội dung của Nghị quyết là sự cụ thể hóa một phần các mục tiêu, nội dung về xây dựng, phát triển giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn được đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thảo luận và thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, trọng tâm, trọng điểm trong lãnh đạo và triển khai thực hiện.
Là cơ quan báo chí của tổ chức Công đoàn, Báo Lao Động giữ vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền về Nghị quyết, giúp đưa Nghị quyết đến với đông đảo công nhân, lao động và bạn đọc. Báo cần tập trung nghiên cứu, đầu tư để có những bài viết chuyên sâu, thực sự có chất lượng về các nội dung của Nghị quyết 02, nhất là những vấn đề bức xúc, cấp bách có ý nghĩa sống còn đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn trong giai đoạn hiện nay, trước những khó khăn, thách thức của tình hình mới, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam là tổ chức đại diện lớn nhất với bề dày truyền thống trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Bên cạnh đó, với thế mạnh của mình, Báo cần quan tâm nắm bắt, có nhiều tin, bài phản ánh việc các cấp Công đoàn thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hành động; kịp thời phát hiện những cách triển khai hay, tốt, hiệu quả để tuyên truyền, nhân rộng trong toàn hệ thống Công đoàn, qua đó, góp phần đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Báo cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, đề xuất những vấn đề mới trong quá trình thực hiện Nghị quyết, từ đó góp phần đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống và triển khai có hiệu quả trong thực tiễn.
- Thưa Chủ tịch, với trách nhiệm của mình, trong các đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua, bên cạnh những bài viết phản ánh, chia sẻ thông tin về phòng, chống dịch; hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh, Báo Lao Động đã có những hoạt động xã hội nhằm đồng hành phòng, chống dịch bệnh. Chủ tịch đánh giá như thế nào về những hoạt động này của báo?
Như đã có dịp trao đổi với tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo, tổ chức Công đoàn và cá nhân tôi rất trân trọng việc phóng viên của báo không quản ngại nguy cơ rủi ro dịch bệnh, sẵn sàng tác nghiệp tại những điểm nóng, nhất là ở các khu công nghiệp, khu nhà trọ đang bị cách ly, phong tỏa tại các địa phương tâm dịch để có những bài viết, hình ảnh ghi nhận, phản ánh chân thực những khó khăn của công nhân lao động và sự vất vả, tận tụy của cán bộ Công đoàn trong hỗ trợ người lao động trong vùng dịch. Những bài viết của báo đã gây xúc động và có sức lan toả trong đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, đặc biệt là cán bộ Công đoàn cơ sở; tiếp thêm sức mạnh để cán bộ Công đoàn trong vùng dịch tiếp tục thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình bằng cả sức lực và tấm lòng vì đoàn viên, người lao động.
Báo Lao Động cũng phản ánh kịp thời về các chủ trương chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, về hoạt động của các cấp Công đoàn trong chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động trước đại dịch COVID-19 như chủ trương điều chỉnh quy mô, hình thức tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2021 phù hợp với tình hình thực tế diễn biến của dịch COVID-19; các chủ trương của Thường trực Đoàn Chủ tịch về hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; các hoạt động thăm hỏi, động viên, chi hỗ trợ đơn vị tuyến đầu, cán bộ công đoàn tham gia chống dịch và đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; hoạt động của công đoàn cơ sở trong thực hiện “3 tại chỗ”...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ở những nơi an toàn, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trên diện rộng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam đã thống nhất hướng dẫn, khuyến nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo các điều kiện an toàn. Nội dung văn bản Hướng dẫn được Báo Lao Động tuyên truyền kịp thời để các bên liên quan, nhất là người sử dụng lao động, người lao động và Công đoàn nắm được, thực hiện nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp...
Bên cạnh các bài viết phản ánh về tình hình phòng, chống dịch bệnh, Báo Lao Động còn có nhiều hoạt động xã hội hiệu quả, đóng góp cho công cuộc chống dịch. Khi dịch diễn biến phức tạp, nhằm hỗ trợ, động viên, đồng hành và tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, Báo Lao Động, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng Lao Động đã phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam và Ban Công đoàn Quốc phòng mở cuộc vận động hỗ trợ cán bộ y tế và bộ đội biên phòng. Tiếp đó, với mong muốn toàn bộ người dân Việt Nam, nhất là công nhân lao động được tiêm vaccine phòng COVID-19, Báo Lao Động, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng Lao Động đã chủ động xin ý kiến Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN và chính thức phát động Chương trình “Vaccine cho công nhân”. Chính lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, nhân viên báo là những người đi đầu, hưởng ứng nhiệt tình, tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ chương trình góp phần san sẻ, chung tay với đoàn viên, người lao động gặp khó khăn với một tấm lòng nhân ái.
- Ngày 8.7.2021, lần đầu tiên tại Việt Nam, Báo Lao Động chính thức ra mắt một bản tin truyền hình sử dụng biên tập viên ảo được sản xuất tự động bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên hệ thống LDO-AI. Việc này có ý nghĩa như thế nào trong công cuộc chuyển đổi số của tổ chức Công đoàn, thưa Chủ tịch?
Chuyển đổi số là xu hướng chung và ngày càng trở nên phổ biến hiện nay. Không nằm ngoài xu hướng đó, tổ chức Công đoàn đang chủ động, nỗ lực để thực hiện kế hoạch chuyển đổi số thông qua việc xây dựng Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến năm 2030.
Tôi rất vui mừng khi thấy Báo Lao Động đã tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số qua việc thực hiện Dự án truyền thông đa phương tiện với trường quay hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của báo. Dự án truyền thông đa phương tiện của tổ chức Công đoàn do báo thực hiện bước đầu đã có kết quả, là tín hiệu rất tích cực vì dự án này sẽ là một phần của chương trình chuyển đổi số của tổ chức Công đoàn.
Tại Việt Nam, một số cơ quan báo chí lớn đã từng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các robot đọc bài báo bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Với việc xuất bản bản tin truyền hình sử dụng biên tập viên ảo được sản xuất tự động bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên hệ thống LDO-AI, trong đó biên tập viên ảo trong bản tin được tạo trên máy tính, mô phỏng 100% khẩu hình, biểu cảm khuôn mặt, ngôn ngữ hình thể và phong cách dẫn chương trình của người thật dựa trên các thuật toán học máy (Machine Learning) và học sâu (Deep Learning), Báo Lao Động đã chứng minh được năng lực của mình, trở thành một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ báo chí xuất bản. Điều này càng có ý nghĩa khi đây là một sản phẩm do báo tự nghiên cứu, phát triển dựa trên hạ tầng hệ thống điều hành tác nghiệp và mạng sản xuất - xuất bản đa phương tiện NDI của Trung tâm Truyền thông đa phương tiện.
Từ thành công bước đầu này, với mô hình và quy trình sản xuất bản tin tự động dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo, báo có thể thực hiện hàng loạt các bản tin truyền hình định kỳ hằng ngày và các bản tin nóng tại bất kỳ thời điểm nào để cung cấp thông tin tới độc giả. Bên cạnh đó, tôi được biết, thời gian tới Báo Lao Động sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào các công đoạn khác trong quy trình quản trị, sản xuất và xuất bản tin tức để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số theo mô hình toà soạn đa phương tiện tích hợp. Đây đều là những hướng đi mới, phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
- Thưa Chủ tịch, thời gian sắp tới, Báo Lao Động cần phải làm gì để tiếp tục giữ vững vị trí tờ báo số 1 bảo vệ quyền lợi người lao động và đáp ứng quá trình chuyển đổi số theo mô hình toà soạn đa phương tiện tích hợp?
Ngay từ khi ra đời và cho đến nay, Báo Lao Động luôn được biết đến là tờ báo đại diện cho tiếng nói của công nhân, viên chức, lao động, tờ báo số 1 trong bảo vệ quyền lợi của người lao động. Để tiếp tục duy trì được vị thế trên, báo cần tiếp tục phát huy truyền thống của tờ báo cách mạng có bề dày lịch sử, kiên định tôn chỉ mục đích trong mọi lĩnh vực và hoạt động. Đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong công tác tuyên truyền nhất là tuyên truyền về hình ảnh của tổ chức Công đoàn; đi sâu, phát hiện các mô hình hay, cách làm tốt từ các cấp công đoàn nhất là từ cơ sở để phản ánh, nhân rộng; giúp người lao động, các tầng lớp nhân dân trong xã hội hiểu hơn về tổ chức Công đoàn đồng thời phát huy hiệu quả các hoạt động xã hội từ thiện thông qua Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng Vàng, chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng tin bài, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời nhưng phải hết sức chính xác, khách quan. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật số để thông tin kịp thời đến cán bộ công đoàn, người lao động đảm bảo nhanh nhất, súc tích nhất và chính xác nhất.
Báo cần chú trọng đầu tư cho yếu tố con người - khâu then chốt, quyết định, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên sắc sảo về nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, lập trường tư tưởng vững vàng, chuyên môn sâu. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đội ngũ các nhà báo và CBCNV, để họ an tâm công tác, xây dựng tập thể Báo Lao Động đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tổ chức Công đoàn, xứng đáng với niềm tin và trọng trách, kỳ vọng của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN và đoàn viên, người lao động cả nước.
-Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!'
"Những tin, bài kịp thời của Báo Lao Động đã giúp xã hội có cái nhìn đầy đủ, khách quan hơn về vai trò của Công đoàn trong chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đồng hành cùng Chính phủ vượt qua đại dịch". (Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN)