Thắt chặt chi tiêu
Chị Vũ Thị Lụa là người lao động (NLĐ) tại Công ty Cổ phần Đầu tư, Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đông Anh (huyện Đông Anh, Hà Nội), quê ở Thái Bình. Từ Tết đến giờ, mặc dù có mấy đám giỗ ở quê nhưng chị Lụa phải gọi điện khất, mong mọi người thông cảm. “Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Bây giờ về quê, tôi phải bắt xe khách, trong quá trình đi nhỡ đâu có nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, nếu có thể tránh được việc đi lại, tôi đều từ chối” - chị Lụa nói.
Để cân bằng chi tiêu trong gia đình, chị Lụa giảm bớt tiền mua thực phẩm. Theo đó, thịt, trứng, cá chủ yếu được chị dành cho con; còn vợ chồng thì ăn những đồ khác rẻ hơn như đậu. Tuy vậy, chị vẫn tăng cường mua rau xanh, hoa quả để tăng sức đề kháng cho cả nhà…
Còn chị Nguyễn Thị Chinh - nhân viên môi trường của Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang - cho hay, trên địa bàn nơi chị sinh sống, 2 tuần nay, giá một số loại thực phẩm đã tăng. Như thịt lợn ba chỉ tăng từ 140.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg. “Chi phí thực phẩm cho cả gia đình thời gian gần đây tăng hơn trước 100.000-200.000 đồng/tháng, chủ yếu do thịt lợn tăng. Để đỡ chi phí, tôi thường xuyên thay đổi sang các món khác như: Thịt vịt, đậu, cá…” - chị Chinh nói.
Chị Trần Thị Tuyến - công nhân (CN) Công ty TNHH Nissei Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) cho hay, trước đây tính cả tăng ca, một tháng thu nhập của chị được khoảng 7-8 triệu đồng. Giờ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty cắt giảm tăng ca nên lương của chị chỉ còn khoảng 5-6 triệu đồng. Với mức thu nhập đó, chị vẫn có thể đảm bảo được sinh hoạt hàng ngày. Song chị Tuyến cho biết thêm, trong đợt dịch này, bản thân chị cũng phải cắt giảm và cân đối chi tiêu nhiều khoản khác nữa.
Thay đổi cách sinh hoạt
Ngày 13.3, ghi nhận trước cổng Công ty ChangShin VN (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), trở nên vắng vẻ hơn trước. Các hàng quán vẫn được bày bán trước cổng công ty nhưng rất ít thấy cảnh NLĐ mua bán. Nhiều NLĐ tranh thủ về khu nhà trọ để ăn uống thay vì mua đồ ăn sẵn như trước đây.
Chị Lê Thị Loan (25 tuổi, NLĐ Cty Changshin VN) cho biết: “Trước tôi thường mua đồ ăn sẵn ở ngay cổng công ty cho tiện. Nhưng giờ tôi tranh thủ về nhà trọ nấu ăn cho an toàn”.
Còn anh Nguyễn Gia Thủy - NLĐ làm việc tại Khu công nghiệp Amata - nói rằng: “Trước đây vào ngày cuối tuần, tôi cùng nhóm bạn thường tập trung ăn uống và sau đó đi hát karaoke. Nhưng nay do dịch bệnh, chúng tôi cũng ngưng không tụ tập mà về nhà trọ ngay”.
Trao đổi với phóng viên, chị Lê Thị Chào (40 tuổi, Cty TNHH Giày Thông Dụng ở thành phố Thuận An, Bình Dương) cho biết, hiện tại công việc vẫn đảm bảo, thu nhập ổn định nên cuộc sống không đến nỗi khó khăn.
Với những lao động trẻ mới về Bình Dương, cuộc sống có vất vả hơn. Anh Đỗ Mạnh Tiến (25 tuổi, CN làm việc ở Cty sản xuất linh kiện điện tử tại KCN VSIP) - cho hay: “Do ảnh hưởng của nguồn nguyên liệu nên công ty phải giảm tăng ca để cân đối hoạt động sản xuất. Với thu nhập như vậy, cuộc sống đầu năm có vất vả nhưng tôi vẫn có thể chi tiêu, xoay xở cuộc sống tạm ổn” - anh Tiến chia sẻ.
Gần trưa, phóng viên đã đến một số khu nhà trọ ở gần các khu công nghiệp ở các quận Tân Bình, quận 9, TP.Hồ Chí Minh, nơi có đông NLĐ ở trọ. Hầu hết dãy nhà trọ đều vắng lặng, các cửa phòng được khóa cẩn thận vì NLĐ đi làm bình thường.
Bà Dương Thị Hồng Duyên - Tổ phó tổ dân phố 9, khu phố 3, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú (TPHCM) - nói rằng: “Chưa thấy ai phải nghỉ làm do không có việc. Tuy nhiên, do các trường nghỉ dạy học nên hầu hết CN phải gửi con về quê để tiếp tục công việc”.
Tương tự, tại khu nhà trọ trên đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, quận 9, phần lớn phòng trọ cũng đóng cửa. Một vài phòng trọ có người lớn đang giữ trẻ em ở nhà. “Mọi hoạt động của công ty vẫn bình thường” - anh Vũ Chí Thanh, nhân viên bảo trì cho Công ty Dệt Liên Phương, chia sẻ.