Mới đây, Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội đã đề nghị phân loại công nhân trực tiếp vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại để được nghỉ hưu sớm thay vì 60 - 62 tuổi như hiện tại. Đề nghị này được đại đa số công nhân ủng hộ.
Đau đầu, chóng mặt, gù lưng, da mặt sạm là những gì chị Phạm Thị Hân (36 tuổi, Thái Bình) đang gặp phải sau 8 năm làm công nhân may. Điều này đồng nghĩa, tối nào về nhà chị cũng phải tập các động tác ưỡn lưng, mỗi tháng bỏ ra 400.000 đồng mua thuốc hỗ trợ để có sức khỏe làm việc.
“Trong tủ thuốc của tôi không bao giờ thiếu hộp bổ não, sắt và vitamin E. Nếu không dùng thuốc hỗ trợ tôi không thể đảm bảo sức khoẻ để hoàn thành tốt công việc, đã rất nhiều lần tôi phải xuống phòng Y tế nằm vì tụt huyết áp” - chị Hân tâm sự.
Mỗi ngày chị Hân làm việc hơn 10 tiếng. Nghỉ trưa 45 phút nhưng chỉ tranh thủ ăn, chợp mắt 30 phút, thời gian còn lại chị sẽ ngồi nhặt chỉ hoặc tranh thủ làm cho kịp hàng. Từ khi về quê làm công nhân đến nay, tăng cân là điều vô cùng xa vời đối với chị.
Chị Hân cho biết, công ty tính lương theo sản phẩm, chỉ tiêu năng suất hàng ngày rất lớn. Vì thế, lúc nào mồ hôi cũng nhễ nhại, tay chân gần như chẳng bao giờ được nghỉ. Chỉ khâu, bụi vải bám lên mặt, kín người cũng không có thời gian để vệ sinh.
Ví von với nghề làm nail, mi trước đây, chị Hân so sánh 1 giờ làm công nhân mất sức bằng 3 giờ nghề làm Nail. Đã vậy, chị Hân còn thường xuyên bị nhắc nhở nếu để hàng bị lỗi hoặc ra chậm, áp lực về cả tinh thần lẫn thể xác.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Văn Chinh (47 tuổi), công nhân mài đế giày tại Nam Định cho biết, anh mới làm ở công ty được gần 3 năm nhưng sức khỏe đã sa sút rất nhiều do hay làm ca đêm.
“Công việc của tôi hầu như toàn bộ thời gian đều phải đứng, tay hoạt động liên tục để không bị ùn hàng. Ban đêm chỉ mong đến giờ nghỉ giữa ca để chợp mắt, giờ giấc xáo trộn khiến tôi vô cùng mệt mỏi mỗi khi trở về nhà” - anh Chinh nói.
Chia sẻ thêm, anh Chinh cho biết trước đây làm những công việc nặng nhọc như đi bắc rạp, đổ bê tông dù vất vả nhưng vẫn có thời gian nghỉ ngơi. Từ khi chuyển nghề làm công nhân, cơ thể đã có nhiều triệu chứng xuống cấp. Bản thân anh thấy sức khỏe của bản thân không còn linh hoạt, dẻo dai như trước.
Mỗi ngày, nam công nhân mài hàng nghìn đôi giày, sau đó xếp vào giỏ mang sang xưởng gia công khá nặng nhọc. Không những thế, anh Chinh còn phải tiếp xúc với mùi keo, mùi cao su độc hại mỗi ngày rất hại sức khỏe.
Theo anh Chinh, công nhân sản xuất trực tiếp làm lâu nhất khoảng 30 năm, rất ít người cố được hơn. Còn khi đã làm đêm, chắc chỉ được 20 năm là nghỉ việc. Nếu cố quá chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sau này.
Vì thế, những lao động trực tiếp như chị Hân và anh Chinh đều mong muốn được xếp vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại để được hưởng thêm phụ cấp và nghỉ hưu sớm. Trước mắt, cả hai mong nghỉ hưu sớm ở tuổi 55 như trước.
Nếu được thông qua, chị Hân sẽ cố làm đến 50 tuổi rồi nghỉ việc, chuyển sang làm tự do chờ đến tuổi nghỉ hưu. Còn anh Chinh thì dự định sẽ làm đến 55 tuổi, sau đó xem xét sức khỏe để làm tiếp hoặc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và hưởng lương hưu.