Tại hội nghị đề xuất xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi qua lấy ý kiến lao động, doanh nghiệp; tiếp xúc cử tri cùng đại biểu Quốc hội thành phố do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố Hà Nội tổ chức, đại diện LĐLĐ Thành phố phố đề xuất cần đưa giáo viên mầm non vào danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại để được nghỉ hưu sớm 5 năm so với tuổi quy định.
Cũng dịp Đại hội XVI Công đoàn Giáo dục Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028, đã có nhiều kiến nghị, đề xuất của cán bộ, nhà giáo, người lao động đối với Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Một trong số đó là đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Lao động hiện hành, theo đó đưa giáo viên mầm non vào nhóm đối tượng này để họ được nghỉ hưu ở tuổi 55.
Dù mới 40 tuổi nhưng cô Nguyễn Thị Liên (Đồng Nai) đã cảm thấy sức khỏe có phần suy giảm bởi công việc hiện tại của cô là giáo viên mầm non, nói và hoạt động rất nhiều.
Cô Liên tâm sự: “Nghề giáo viên mầm non dạy trẻ 3 - 4 tuổi rất áp lực vì đây là lứa tuổi đang có nhiều biến động về tâm lý và bướng bỉnh. Khi các con không nghe lời, chúng tôi không thể dùng đòn roi vì đòn roi chính là thất bại của giáo dục. Bắt buộc phải nhẹ nhàng, ân cần nói chuyện, động viên các con thường xuyên”.
Theo chia sẻ, gần như lúc nào cô Liên và đồng nghiệp cũng phải dạy hát, nói chuyện với các con trừ lúc ngủ trưa. Tính chất công việc vất vả nên nữ giáo viên thường xuyên phải mua thuốc ho, bảo vệ họng để chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh đó, cô Liên cho biết, giáo viên mầm non đặc biệt là giáo viên dạy lớp 2, 3 tuổi thường xuyên tiếp xúc với phân, nước tiểu của trẻ. Mỗi lần thời tiết thay đổi hoặc vào đầu năm học mới, gần như tất cả giáo viên mầm non đều bị lây bệnh đau mắt đỏ, ho khan, cảm cúm từ trẻ do tiếp xúc mỗi ngày.
“Nói giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, độc hại quả không sai chút nào, tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm này. Thiết nghĩ nên để giáo viên chúng tôi được nghỉ hưu sớm 5 năm” - cô Liên bày tỏ nguyện vọng.
Không chỉ giáo viên mầm non, ở bậc tiểu học cũng được nhiều người nhận xét nên đưa vào nhóm nghề độc hại và hỗ trợ nghỉ hưu sớm trước tuổi.
Cô Nguyễn Minh Trang (35 tuổi) - giáo viên tiểu học tại một huyện miền núi ở Bắc Giang - cho hay, bậc tiểu học cũng rất vất vả, nhiều yếu tố nặng nhọc tác động không kém gì giáo viên mầm non. Quan điểm này được cô đưa ra khi đã trải qua cả hai cấp dạy: 4 năm giáo viên mầm non, 11 năm giáo viên tiểu học.
Theo cô Trang, giáo viên tiểu học không có phụ cấp buổi trưa như giáo viên mầm non, xăng xe, ăn uống cũng phải tự cấp. Bên cạnh đó, cô Trang cho biết, vì dạy ở nông thôn nên việc tiếp xúc với bụi phấn vẫn là tất yếu do chưa có trang thiết bị hiện đại, sợ rằng rất lâu nữa mới thay đổi được.
“80% thời gian các tiết dạy của tôi hiện tại vẫn phải dùng phấn, vừa dạy vừa hít bụi, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Bên cạnh đó, một lớp ở bậc tiểu học khá đông nên tôi phải nói to để học sinh cuối lớp mới nghe thấy. Về lâu dài chắc chắn phải dùng đến thuốc hỗ trợ, về già ốm yếu, mệt mỏi cũng là chuyện dễ hiểu” - cô Trang chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô Trang cho hay, nhiều trẻ bướng nghịch cộng thêm áp lực kết quả học tập từ phụ huynh, nhà trường càng khiến giáo viên tiểu học suy sụp về tinh thần. Mỗi tối, cô đều thức đến 11h đêm để soạn giáo án, lên giường đi ngủ cũng trăn trở làm sao để dạy tốt, cải thiện điểm cho các em học sinh yếu, kém.
Đồng tình với đề xuất, cô Trang mong không chỉ giáo viên mầm non mà giáo viên tiểu học cũng được xếp vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại và được tạo điều kiện nghỉ hưu sớm. Theo nữ giáo viên, không phải cô muốn chia tay với nghề sớm mà vì sức khỏe không cho phép, nếu cố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sau này khi về già.