Câu chuyện thưởng Tết - kẻ cười, người lo
Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là hết năm 2024, điều những người lao động quan tâm nhất thời điểm này là tiền thưởng Tết và tháng lương thứ 13. Nhất là công nhân ở các tỉnh miền núi, chấp nhận xa gia đình, xa con cái để đến các thành phố lớn kiếm kế sinh nhai.
Anh Bạch Thế Đạt - một công nhân tại Công ty Cổ phần COASIA SM VINA (KCN Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) cho hay: "Dù tình hình kinh tế năm nay khá khó khăn, nhưng rất may hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Công nhân vẫn đảm bảo việc làm, vẫn có thu nhập đều. Đặc biệt, theo thông tin chúng tôi nắm được thì tiền thưởng của năm nay cũng bằng năm ngoái, dự kiến là 1 tháng lương cơ bản".
Tương tự, tại Công ty TNHH GGS Việt Nam (KCN Bờ trái Sông Đà, Hòa Bình), theo chị Vũ Huyền Sâm - Chủ tịch công đoàn Công ty cho biết, dù 3 tháng cuối năm, đơn hàng tại công ty giảm đáng kể, nhưng Công đoàn vẫn đề xuất mức thưởng Tết để đảm bảo quyền lợi cho công nhân.
Cụ thể, dự kiến số tiền thưởng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng là hơn 4,1 triệu đồng.
Ngoài ra, còn có các mức thưởng khác như thưởng thâm niên, thưởng chuyên cần sẽ dao động từ 1 - 4 triệu đồng.
Bên cạnh đó, phía công ty cũng đã chuẩn bị 30 vé xe Tết và 50 phần qùa cho công nhân ở xa, có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, ở một diễn biến khác, nhiều công nhân tại Công ty May Phù Yên (huyện Phù Yên, Sơn La) lại lo sợ rằng, khoản thưởng Tết năm nay sẽ giảm. Bởi, đã 3 tháng nay, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn hàng giảm đi đáng kể, thậm chí, công ty đã phải cho công nhân nghỉ ngày thứ 7 do không có việc.
"Tết Nguyên đán năm 2023, tiền thưởng Tết của công nhân dao động từ khoảng 2 - 4 triệu đồng. Năm nay, dù chưa có thông tin cụ thể về mức thưởng Tết nhưng chúng tôi lo sợ sẽ giảm đáng kể so với năm ngoái" - một công nhân tại đơn vị này cho hay.
Tình trạng khó khăn cũng xảy ra tại Công ty TNHH Thanh Nhung (KCN Mai Sơn, Sơn La). Doanh nghiệp phải đóng cửa nửa năm nay do không có đơn hàng, gần 40 công nhân rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, đồng nghĩa với việc không có tiền thưởng Tết.
Trao đổi với PV, ông Đàm Văn Thanh - Giám đốc Công ty cho biết: "Dù không còn sản xuất, nhưng chúng tôi không dám cho công nhân nghỉ bởi đó là lực lượng lao động công ty đã phải dày công đào tạo.
Chính vì vậy, công ty vẫn đóng bảo hiểm đầy đủ và có hỗ trợ thất nghiệp hằng tháng cho công nhân. Nhưng về thưởng Tết thì khả năng cao sẽ không có. Hy vọng đến năm tới, tình hình sản xuất kinh doanh ổn định lại để đảm bảo việc làm và đời sống cho công nhân".
Công đoàn chủ động nắm bắt tình hình thưởng Tết
Trao đổi với PV, ông Tống Đức Chiến - Trưởng ban Chính sách pháp luật - LĐLĐ tỉnh Hoà Bình cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có thông tin về mức thưởng Tết cho cán bộ, công nhân viên.
Tuy nhiên, theo ông Chiến, LĐLD tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cơ sở (CĐCS) nắm bắt tình hình tiền lương, tiền thưởng, BHXH, BHYT, BHTN và các chế độ chính sách liên quan đến đoàn viên, CNVCLĐ.
Đồng thời, rà soát, tổng hợp số lượng CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, CNVCLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt HĐLĐ do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, để làm cơ sở xây dựng kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán năm 2024.
"LĐLĐ tỉnh cũng chỉ đạo CĐCS tham mưu, đề xuất với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và người sử dụng lao động thực hiện trả lương cho người lao động theo quy định, không để nợ lương, chậm lương của người lao động" - ông Chiến nói.
Bộ LĐTBXH đã yêu cầu các Sở LĐTBXH trên cả nước thực hiện chính sách tiền lương và thưởng Tết cho người lao động. Theo đó, Bộ giao lãnh đạo các Sở chủ động phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và các đơn vị liên quan, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị cắt đơn hàng, giảm việc làm của người lao động.