Vợ chồng chị Nông Thị Dự (Yên Sơn, Tuyên Quang) đã hơn 5 năm gắn bó với công việc tại một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh). Cuối năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chị Dự và nhiều công nhân khác đã phải nghỉ việc về quê.
Đã nghĩ trước đến việc cuộc sống ở quê sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng với chị Dự đã gần 4 tháng từ ngày nghỉ việc, số tiền tiết kiệm cứ vơi dần trong khi thu nhập bằng làm ruộng và chăn nuôi bấp bênh.
Chị Dự tâm sự: "Trước kia, mỗi tháng vợ chồng dành dụm được khoảng 8 triệu đồng, nay ở nhà gần như chỉ đủ ăn mặc hàng ngày chứ không có tích lũy. Cũng muốn quay trở lại làm việc rồi nhưng vẫn phải chờ xem dịch bệnh thế nào đã".
Gần đó, anh Hoàng Văn Biền (Yên Sơn, Tuyên Quang) nghỉ việc từ sau khi về quê ăn Tết Nhâm Dần đến nay. Ở nhà phụ giúp vợ việc đồng áng gần như chỉ để cho khỏi nhàn rỗi chứ thu nhập không đáng là bao. Đã có những lúc anh Biền nghĩ quay lại công ty cũ làm việc.
"Sau Tết, công ty có gọi đi làm nhưng tôi chưa muốn đi ngay, một phần vi dịch bệnh vẫn chưa hết, một phần vì thu nhập tại công ty cũ không cao. Có người bạn đang giới thiệu cho một công việc mới với lương cao hơn, tôi đang chờ xem thế nào" anh Biền chia sẻ.
Trên địa bàn huyện Yên Sơn hiện còn khá nhiều lao động vẫn ở nhà vì lo sợ dịch bệnh hoặc đợi chờ công việc khác. Những công việc thời vụ tại chỗ không thể giải quyết hết nhu cầu của số lao động nghỉ việc từ các tỉnh khác trở về đã nhiều gây áp lực lên địa phương.
Chính quyền các xã đã vận động con em trên địa phương quay trở lại nhà máy, khu công nghiệp nhưng việc này cũng chỉ mang tính chất động viên, tuyên truyền. Quyền quyết vẫn do nhu cầu thực tế của người lao động.
Trao đổi với PV, ông Hà Xuân Tiệp - Chủ tịch UBND xã Tứ Quận (Yên Sơn) cho biết, cán bộ văn hoá xã hội liên tục kết hợp tuyên truyền tới những gia đình có con em đang ở nhà sau Tết sớm trở lại nhà máy. Bên cạnh đó, loa truyền thanh của xã ngày nào cũng phát các tin tức tuyển dụng lao động của các đơn vị có nhu cầu.
"Nhưng thực tế cũng khó, phần nhiều lao động là con em vùng dân tộc, vùng sâu, tâm lý sợ dịch hoặc vẫn còn chút ít tiền tiết kiệm nên chưa đi làm lại ngay. Có lẽ cũng phải cuối hoặc hết tháng 3 âm thì các cháu mới đi làm hết" ông Tiệp thông tin thêm.
Theo thống kê sơ bộ của ngành LĐTBXH với khoảng 30% lao động còn ở nhà sau khi nghỉ dịch, Tuyên Quang đang đẩy kết mạnh nối cung cầu trong, ngoài tỉnh để tạo việc làm cho lao động muốn ở lại và động viên những người có ý định quay lại các thành phố, trung tâm công nghiệp làm việc tiếp.
Theo ông Nguyễn Đức Chính - Giám đốc Trung DVVL Tuyên Quang, gần đây số lao động đến Trung tâm xin tư vấn công việc đã tăng so với tháng trước. Chúng tôi kết hợp việc giải quyết các chế độ BHTN với giới thiệu công việc mới để người lao động lựa chọn. Mục tiêu, hướng người lao động còn ở nhà trở lại nhà máy hoặc đến với các khu công nghiệp với thu nhập cao hơn".
Mới đây, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28.3.2022 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với tổng số tiền 6.600 tỉ đồng nhằm thu hút người lao động trở lại thị trường lao động sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được kỳ vọng sẽ mang lại những tín hiệu tốt.
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) nhận định: "Phương thức là hỗ trợ cho người lao động nhưng thông qua doanh nghiệp để kéo người lao động quay trở lại. Quan điểm là gói hỗ trợ này giúp kích hoạt mạnh hơn cho thị trường lao động phục hồi".