Ước mơ xa vời
Trong căn nhà trọ chưa đầy 30m2, vừa trông con, vừa tất bật nấu vội bữa cơm trưa, chị Nguyễn Thị Yến (29 tuổi, huyện Ba Vì, Hà Nội) trán vã mồ hôi. Chị Yến cho biết, đây là nơi mà gia đình nhỏ của chị đã sinh hoạt cùng nhau trong suốt 10 năm nay.
Chị Yến kể, hai vợ chồng đều là công nhân trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Vì con nhỏ nên chị và chồng phải thay phiên nhau, đi làm lệch ca để luôn có người ở nhà với con.
“Mỗi tháng gia đình tôi thuê nhà hết khoảng 2 triệu chưa kể điện, nước. Cháu lớn học tiểu học phải đóng 6-7 triệu đồng dịp đầu năm. Còn cháu thứ hai mỗi tháng cũng gần 2 triệu. Ngoài ra còn nhiều chi phí khác như tiền thực phẩm, xăng dầu, bỉm sữa, sinh hoạt hàng ngày... trăm thứ để lo.” - chị Yến chia sẻ.
Theo chị Yến, tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ được 13 triệu/tháng. Thế nên tháng nào chị cũng phải vay bạn bè, người thân để cố gắng cầm cự cho đến ngày nhận lương.
“Lương vừa về đến tay, tôi lại cầm đi trả nợ. Tháng nào cũng lặp đi lặp lại như thế. Biết là đem đi trả nợ sẽ chẳng còn tiền tiêu nhưng phải trả đúng hẹn thì lần sau mới dám vay tiếp” - chị Yến thở dài.
Khi được hỏi về dự định mua nhà, chị Yến lắc đầu, vì đối với chị, đó là một mơ ước xa vời.
“Vợ chồng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mua nhà riêng. Nếu được cho vay tiền để mua nhà, vợ chồng tôi cũng không bao giờ dám vay vì chẳng biết đến khi nào mới có thể trả được hết nợ với mức thu nhập như này” - chị Yến buồn bã nói.
Với anh Nguyễn Hoàng Khang (33 tuổi, quê tại Cần Thơ), anh đã quen với không gian chật hẹp, nóng bức của xóm trọ này. Ra miền Bắc với ý định lập nghiệp, nhưng đã gần 10 năm trôi qua, anh Khang vẫn chẳng thể dành dụm được bất kỳ khoản tiền nào.
“Thu nhập mỗi tháng của tôi nếu tiết kiệm thì chỉ vừa đủ chi tiêu. Làm công nhân, chẳng có vốn nên tôi vẫn ở một mình, không dám lấy vợ” - anh Khang nói.
Trước đó, anh Khang đã biết đến gói tín dụng 120.000 tỉ đồng về nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
“Nếu nhà nước không có thêm những giải pháp cụ thể để hỗ trợ cho người có thu nhập thấp như chúng tôi thì có lẽ, cả đời này tôi sẽ không thể mua được nhà ” - anh Khang tâm sự.
Cần có thêm những giải pháp cụ thể và kịp thời
Tại hội nghị triển khai đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, diễn ra ngày 19.5, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay khó giải ngân gói tín dụng 120.000 tỉ là vì nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế.
Thực tế, trong Đề án xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội đã nêu rõ, vì các vướng mắc trong chọn chủ đầu tư, quỹ đất, định giá bán; các ưu đãi khuyến khích cho loại hình nhà này chưa đủ thu hút, khiến nguồn cung nhà đang eo hẹp.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nêu rõ, chúng ta cần phải có những quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn trong chính sách nhà ở xã hội để dễ dàng thực thi trong thực tế, nhất là về quy trình, trình tự thủ tục đầu tư, phân phối.
Thực tế cho thấy, chương trình mới triển khai được hơn 1 tháng và gói 120.000 tỉ dành cho giai đoạn từ 2023-2030. Đồng thời các địa phương đang trong quá trình tổng hợp công bố nên chỉ mới có kết quả bước đầu.
Trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án tham gia gói 120.000 tỉ như nhu cầu công bố của các địa phương.
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỉ, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật.
Trước đó, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng về nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước đề xuất, lấy từ vốn của 4 ngân hàng thương mại.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho hay, về gói tín dụng này, mỗi ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) sẽ dành 30.000 tỉ đồng cho vay với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Trường hợp nếu có thêm ngân hàng thương mại khác tham gia, quy mô gói này sẽ tăng lên.
Mức lãi suất của gói tín dụng này thấp hơn mức lãi vay bình quân trên thị trường của các ngân hàng 1,5-2% với người xây dựng và mua nhà.
Gói tín dụng được triển khai từ 1.4 và kết thúc muộn nhất là 31.12.2030.