Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới:

Hơn nửa cuộc đời ươm mầm hạnh phúc

MINH PHẠM |

Khoảng những năm 1980 - 1990, nhiệm vụ của rất nhiều bác sĩ sản khoa là kế hoạch hóa gia đình, tìm cách giúp chị em đặt vòng, nạo thai để giúp hạn chế tỉ lệ sinh đẻ. Vậy mà vào thời điểm đó, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng lại quyết tâm mang bằng được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về Việt Nam để giúp cho những cặp vợ chồng hiếm muộn được thực hiện thiên chức làm cha làm mẹ.
Mang kỹ thuật mới về giúp người nghèo

Dù đã bước qua cái tuổi 70, nhưng vẫn rất khó để gặp được GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, một trong những bác sĩ đi đầu trong lĩnh vực sản khoa và đặc biệt là điều trị vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam. Ở cái tuổi lẽ ra phải nghỉ dưỡng, vui vầy bên con cháu thì bác sĩ già vẫn miệt mài ở bệnh viện với vai trò cố vấn, bà vẫn dành thời gian cho nghiên cứu, giảng dạy, hoạt động xã hội.

Nói đến bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người ta sẽ nhớ ngay tới kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm mà bà dày công nghiên cứu để mang về Việt Nam. 

Nhắc đến chuyện của hơn 30 năm trước, dường như bao nhiêu trăn trở lại hiện về trên gương mặt bà: "Người xưa thường bảo cây độc không trái, gái độc không con để nói về những người phụ nữ không thể làm mẹ. Hồi đó, làm việc ở bệnh viện sản khoa, tôi gặp nhiều chị em rơi vào hoàn cảnh đó. Họ bị gia đình chồng và cả chồng hắt hủi. Nhiều người bị bỏ rơi, chồng đi lấy vợ khác. Một người phụ nữ yếu đuối mà vừa phải chịu tiếng là gái độc, vừa bị tan vỡ hạnh phúc gia đình chỉ vì không thể có con. Tôi cũng là phụ nữ nên càng hiểu nỗi đau đó và luôn trăn trở làm thế nào để giúp họ”.

BS Ngọc Phượng kể lại, vào năm 1984, trong một lần được cử đi học ở Thái Lan, bà được biết đến phương pháp giúp nhiều cặp vợ chồng thắp lên hy vọng được làm cha, làm mẹ. Đó là thụ tinh trong ống nghiệm. Nước Anh đã làm rất thành công, Thái Lan cũng bắt đầu làm được kỹ thuật này. Hồi đó, người đi học hay đi công tác, tham quan đều phải lưu trú tại lãnh sự quán. 

Thời gian lưu trú ở đó, bác sĩ Phượng lại chứng kiến nhiều cặp vợ chồng người Việt Nam qua Thái Lan để điều trị hiếm muộn, có người kể đã từng đi Singapore, Australia, Thụy Điển. Nhưng họ là những gia đình có tiền, có điều kiện hoặc địa vị. Bởi hồi ấy, việc xin phép để đi ra nước ngoài còn rất khó khăn: “Tôi luôn đặt câu hỏi, vậy chứ nếu là những cặp vợ chồng lao động bình thường, người nghèo làm sao có thể qua đây điều trị và có con được? Càng hỏi, tôi càng quyết tâm tìm cách đem kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về Việt Nam để giúp những cặp vợ chồng nghèo được làm kỹ thuật này ngay trên đất nước mình”. 

Nghĩ là làm, bà bắt tay nghiên cứu và ra nước ngoài tìm hiểu, âm thầm tìm tài liệu, sách vở nói về thụ tinh trong ống nghiệm. Bà hỏi các thiết bị, máy móc cần thiết cho kỹ thuật mới ấy.

Khi về nước, bác sĩ Phượng đề xuất mang kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về áp dụng ở Việt Nam mà ban đầu là TPHCM. May mắn, Sở Y tế TPHCM, UBND TPHCM, Bộ Y tế đều ủng hộ và tạo điều kiện. Nhưng thời điểm kinh tế còn nghèo, y tế cũng thiếu thốn trăm bề, nhiều người tỏ ra e ngại về việc làm của BS Phượng. Việc làm của bà gần như bị xem là đi ngược với chủ trương kế hoạch hóa gia đình. 

Họ khuyên bà nên lo việc đặt vòng cho chị em trước hơn là việc đi lo chữa hiếm muộn: “Mặc kệ. Tôi cứ làm. Việc của một bác sĩ là phải tìm ra cách điều trị cho bệnh nhân của mình. Họ vô sinh, mình phải giúp họ có con. Họ có hạnh phúc, viên mãn thì mới tin tưởng vào các chính sách nhà nước được” - BS Ngọc Phượng bộc bạch.

Cuối cùng, sau những cố gắng của BS Phượng và ê- kíp Bệnh viện Từ Dũ, năm 1998, niềm vui đón 3 em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã vỡ òa: “Niềm vui này, tôi kể quá nhiều rồi mà vẫn khó lòng tìm được tính từ nào diễn đạt một cách trọn vẹn”.
Hai em bé song sinh đầu tiên chào đời nhờ phương pháp mang thai hộ tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: K.Q


Chưa bao giờ thôi trăn trở

Đến nay, có lẽ những người từng phản đối cũng phải quay qua công nhận thành quả của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Kỹ thuật này ngày càng chứng minh được tính hiệu quả. 25 cơ sở y tế trên cả nước đã thực hiện với tỉ lệ thành công từ 30 - 50%. 

Mỗi năm, cả nước có khoảng 12.000 - 15.000 cặp vợ chồng thực hiện phương pháp này. Không chỉ những cặp vợ chồng Việt Nam, với giá thành rẻ hơn so với thế giới, mỗi năm có hàng ngàn cặp vợ chồng người nước ngoài sang Việt Nam để điều trị vô sinh hiếm muộn, nhiều người đến từ những nước phát triển như Anh, Hàn Quốc, Mỹ, Australia…

Riêng với “cánh chim đầu đàn” - BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn chưa yên tâm. Bà còn trăn trở vì nhiều cặp vợ chồng, nhất là những người lao động còn quá nghèo có chỉ định làm kỹ thuật này mà chưa có tiền. 3 năm qua, bà đi vận động các bác sĩ làm việc trong lĩnh vực sản khoa giúp đỡ “ươm mầm hạnh phúc”. Mỗi năm, nhóm bác sĩ đã giúp 30 cặp vợ chồng nghèo được điều trị. Với tỉ lệ thành công là 50%, hơn 45 cặp vợ chồng nghèo đã có cơ hội được đón những đứa con đầu lòng trong 3 năm qua.

Cũng vì “chưa bao giờ thôi trăn trở” với những cặp vợ chồng hiếm muộn, những năm gần đây, GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng là một trong những bác sĩ góp tiếng nói ủng hộ và góp ý xây dựng luật cho phép mang thai hộ. 

Phương pháp mang thai hộ từng ngày giúp nhiều người phụ nữ bất hạnh được làm mẹ: “Nhiều phụ nữ không may mắn bị xơ tử cung, bị tai biến khi sinh con lần đầu phải cắt bỏ tử cung, họ không có thai được. Những trường hợp như vậy chỉ có thể có con nếu cho phép mang thai hộ. Tôi thấy mang thai hộ về kỹ thuật không hề khó. Vấn đề quan trọng là hoàn thiện các thủ tục pháp lý” - BS Ngọc Phượng chia sẻ.

Người bác sĩ trải qua hơn 30 năm tuổi nghề nhắn nhủ đến sinh viên y khoa và những bác sĩ trẻ phải luôn thấm thía lời dặn “lương y như từ mẫu”, phải chăm sóc yêu thương bệnh nhân. 

Mẹ hiền thấy con bệnh thì phải lo lắng, tìm cách chạy chữa: “Muốn vậy, bác sĩ phải ráng học, học học học và học. Bác sĩ phải giỏi thì mới lo được cho bệnh nhân. Cứ học, nghiên cứu trước đi, khoan quay quắt chuyện kiếm tiền. Một bác sĩ có tài, có tâm hãy cứ yên tâm rằng sẽ đủ tiền để lo cho gia đình. Chỉ cần mình biết đủ thì nó sẽ đủ thôi”. 

Sau khi Hội đồng bình chọn “Chương trình Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới” công bố danh sách 30 tập thể, cá nhân xuất sắc, báo Lao Động sẽ lần lượt giới thiệu các gương mặt cá nhân, tập thể xuất sắc theo danh sách đã được bình chọn.

MINH PHẠM
TIN LIÊN QUAN

Xe tải bốc cháy ngùn ngụt trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Duy Tuấn |

Bình Thuận - Xe tải đang lưu thông thì bốc cháy ngùn ngụt trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Tin 20h: Yên Bái kiểm tra nhà hàng "chặt chém" đoàn từ thiện

Nhóm PV |

Tin 20h ngày 19.9: Bà Nguyễn Phương Hằng được ra tù vào hôm nay; Yên Bái kiểm tra nhà hàng bị tố chặt chém đoàn từ thiện...

Phía Miss Universe nói về thông tin Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp

Huyền Chi |

Thông tin Hoa hậu Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại Thương gây xôn xao mạng xã hội.

Thể Công Tân Cảng bảo vệ thành công chức vô địch giải bóng chuyền U23 Quốc gia 2024

Nhóm PV |

U23 Thể Công Tân Cảng thắng U23 Ninh Bình 3-1 tại chung kết giải bóng chuyền U23 quốc gia vào tối 19.9.

Chậu hoa giấy trên phố đi bộ ở Đà Nẵng đồng loạt "nằm" tránh bão

Nguyễn Linh |

UBND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cho biết đã chủ động đặt nằm các chậu hoa giấy tại phố đi bộ Bạch Đằng để tránh thiệt hại bởi ảnh hưởng của cơn bão số 4.

Cháy lớn Hà Nội, khói lửa cuồn cuộn khiến người dân khiếp sợ

Hải Danh |

Một xưởng in rộng khoảng 400m2, kết cấu khung thép, mái tôn trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) bốc cháy dữ dội khiến người dân khiếp sợ.

Nợ chế độ giáo viên Bình Định: Trách nhiệm "chảy" về trường

Hoài Phương |

Bình Định - Về việc giáo viên huyện miền núi Vân Canh bị nợ lương, chế độ kéo dài, các cơ quan, đơn vị liên quan đều cho rằng trách nhiệm chính thuộc về trường.

Chơi dưới chung cư, bé gái bị vật cứng rơi trúng, lõm sọ não

Hoàng Xuyến - Việt Anh |

Mới đây, tại một chung cư trên địa bàn Hà Nội xảy ra trường hợp bé gái bị một vật cứng như bát, đĩa sứ rơi trúng vào đầu, gây lõm sọ não.