Nỗi buồn người ở lại
Hơn 3 tuần từ ngày anh Nguyễn Đình Huy (sinh năm 1987, công nhân Công ty CP Ống thép 190) mất vì tai nạn, bà Trần Thị Phượng - mẹ anh Huy - trực trào nước mắt mỗi khi nhìn thấy di ảnh con trai. Bà nghẹn ngào khi nhắc nhớ ngày anh Hùng ra đi mãi mãi.
“Tôi bị bệnh tiểu đường nặng. Ngày đó trước khi đi làm, Huy còn bảo, chiều đi làm về mua thuốc cho mẹ, dặn mẹ phải uống đều đặn mới nhanh khỏi bệnh. Con tôi đi làm được hơn 1 tiếng thì gia đình nhận tin cháu bị tử nạn do ngã từ giàn giáo cao 7m” - bà Phượng kể lại.
Tin con trai tử vong do tai nạn lao động (TNLĐ) là cú sốc rất lớn với gia đình. Buồn hơn cả là vợ anh Huy đang làm việc tại Philippines không thể về chịu tang chồng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 2 con của anh Huy còn nhỏ, vắng mẹ, mất cha, chỉ biết dựa vào ông bà nội.
“Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi bệnh tiểu đường, bố của Huy mới phẫu thuật xương sống tháng 9 năm ngoái nên cũng không còn khả năng lao động. Hai vợ chồng nó chịu thương, chịu khó bảo ban nhau làm ăn, cố dành dụm tiền sang năm xây nhà rồi phòng khi bố mẹ đau ốm. Thế mà nay “kẻ đầu bạc lại phải tiễn kẻ đầu xanh” - bà Phượng nghẹn ngào.
Còn ở căn nhà nhỏ thôn Thọ Linh, xã Minh Tân, Kiến Thụy, gia đình chị Hoàng Thị Hậu - vợ anh Phạm Văn Phước (sinh năm 1983, công nhân Cty Seethings, Khu công nghiệp Đồ Sơn), nỗi buồn vẫn bao trùm từ ngày anh Phước mất vì TNLĐ. Qua lời kể của người vợ trẻ, anh Phước ra đi đột ngột vì tai nạn để lại nỗi buồn chưa khỏa lấp với mỗi thành viên trong gia đình. Chỉ vào con trai 4 tuổi, chị Hậu lén lau nước mắt: “Bố đã mất được hơn 2 tháng nay nhưng cháu vẫn nghĩ bố đi làm công ty, chưa về. Mỗi buổi chiều nghe tiếng xe máy, cháu lại chạy ra ngóng bố”.
Tình cảm, trách nhiệm với gia đình các nạn nhân
Theo thống kê của LĐLĐ TP.Hải Phòng, từ đầu năm 2020 đến nay, địa bàn xảy ra 10 vụ TNLĐ, 9 người chết. Trong đó, các vụ tai nạn nghiêm trọng chủ yếu xảy ra ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn (CĐ), CĐ T.Ư đóng trên địa bàn.
Nhằm chia sẻ một phần đau thương, mất mát với các gia đình, trong Tháng Công nhân 2020, LĐLĐ TP.Hải Phòng thăm hỏi, động viên 6 gia đình có người thân là công nhân lao động (CNLĐ) bị tai nạn. Cùng với CĐ cấp trên, các công đoàn cơ sở (CĐCS) nơi có đoàn viên bị TNLĐ cũng có hành động kịp thời, thiết thực. Như Công ty Seethings hỗ trợ gia đình anh Phạm Văn Phước 80 triệu đồng, vận động CNLĐ công ty ủng hộ gia đình tổng số tiền hơn 22 triệu đồng. Mẹ và hai con anh Phước được công ty hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng. Công ty Nhiệt điện Hải Phòng hỗ trợ gia đình anh Trần Việt Hưng hơn 800 triệu đồng…
Theo ông Hoàng Đình Long - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hải Phòng, bên cạnh chăm lo gia đình CNLĐ tử vong do TNLĐ, các cấp CĐ chú trọng hơn nữa công tác bảo đảm an toàn lao động tại nơi làm việc, hạn chế tối đa yếu tố rủi ro trong quá trình lao động, sản xuất. Công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được đẩy mạnh trong Tháng Công nhân - Tháng ATVSLĐ năm 2020. Mở màn là cuộc thi trực tuyến tìm hiểu luật ATVSLĐ đợt 1 diễn ra từ ngày 13 đến ngày 23.5 và đợt 2 từ ngày 25 đến ngày 30.5. Qua đó, LĐLĐ TP.Hải Phòng trang bị cho người lao động kiến thức cần thiết về ATVSLĐ, góp phần giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.