Anh Huân làm công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long, thuê trọ tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Vợ anh ở quê tại huyện Ba Vì, làm nghề tự do.
Thời điểm Hà Nội chuẩn bị thực hiện giãn cách xã hội, vợ anh Huân sinh con đầu lòng nên anh nghỉ chế độ thai sản (7 ngày) để chăm sóc vợ con. Không ngờ, trong thời gian anh nghỉ, Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội, nên khi nghỉ xong, anh không thể quay lên thành phố để đi làm.
“Công ty cho phép tôi nghỉ làm, được hưởng 70% lương. Tính ra tôi chỉ được 3 triệu đồng/tháng” - anh Huân cho hay. Phải nghỉ việc, vợ nuôi con nhỏ, không có thu nhập, không có tiền thai sản, khiến cuộc sống của vợ chồng anh Huân càng thêm khó khăn. Bình thường, thu nhập của cả gia đình anh trông chờ vào mức thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng của anh.
Với số tiền trên, anh Huân gửi về cho vợ hơn một nửa để trang trải cuộc sống, giữ lại một phần để trả thuê nhà trọ (600.000 đồng/tháng) cùng các chi phí sinh hoạt khác. Bây giờ, nhiều chi phí phát sinh khi con ra đời, khiến anh Huân rất chật vật. Hai vợ chồng đành phải vay mượn người thân, đợi khi nào đi làm trở lại rồi trả nợ.
“Vừa qua, tôi rất mong được đi làm, nhưng không thể qua được các chốt kiểm soát, nên đành ở nhà” - anh Huân chia sẻ, đồng thời bày tỏ vui mừng khi mình sắp được trở lại làm việc. Anh Huân cũng cho hay, trong thời gian ở quê, anh đã được tiêm vaccine mũi 1. Anh hy vọng khi lên nơi trọ, làm việc trở lại, anh sẽ được tiêm mũi 2 đúng hạn để đảm bảo an toàn cho bản thân và thuận lợi hơn trong công việc.
Giống như anh Huân, anh Nguyễn Văn T. (trú tại toà nhà CT1A, thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng đang rất ngóng chờ thông tin mình sẽ trở lại làm việc bình thường.
Theo lịch công ty thông báo, ngày 20.9, anh sẽ được đến công ty đi làm, nhưng vừa qua, tại phường Việt Hưng, quận Long Biên (nơi công ty anh đứng chân) có ca dương tính với COVID-19 nên anh đang thắc thỏm chờ đợi thông báo mới. Thông báo này sẽ phụ thuộc vào các quyết định chống dịch của cơ quan chức năng. “Tôi đã có giấy đi đường của công ty phát cho. Vừa rồi, tôi có xuống hỏi chốt ở dưới thì họ bảo với giấy tờ này tôi có thể đi được rồi, chỉ còn chờ thông báo cuối cùng của công ty thôi”- anh T. cho hay.
May mắn hơn nhiều người lao động khác, thời gian vừa qua, anh T. vẫn được làm việc online. Anh phụ trách về công nghệ thông tin của một công ty chuyên về xây dựng công nghiệp, năng lượng. Anh cho biết, dù được làm việc online, nhưng anh cũng rất lo vì thu nhập của anh giảm hơn 40%. Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình anh. Vợ anh T. làm công nhân, thời gian vừa rồi, chị nghỉ làm việc, thu nhập giảm. Sau đó, chị đi sản xuất “3 tại chỗ” 12 ngày. Thời gian vừa qua, vừa làm việc online, anh vừa phải lo cho các con, từ chuyện ăn uống đến học online nên rất vất vả.
“Tôi rất mong 2 vợ chồng được đi làm bình thường như trước kia. Nếu vậy, thời gian đầu khi các trường chưa mở cửa, tôi đành để 2 cháu ở nhà tự trông nhau. Cháu đầu đã lớn (học lớp 8) nên có thể trông cháu út (học lớp 2). Đi làm bình thường thì chúng tôi mới có thu nhập ổn định để trang trải cho cuộc sống” - anh T. chia sẻ.
Anh T. cũng cho rằng, làm việc online kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty, về lâu dài, điều này sẽ tác động đến chính người lao động. Vì vậy, anh muốn trở lại làm việc trực tiếp càng sớm càng tốt. Điều anh T. lo lắng nhất nếu cả 2 vợ chồng đi làm, các cháu ở nhà sẽ có những mối nguy cơ như hoả hoạn.
“Tôi đã được tiêm một mũi vaccine, hy vọng sẽ được tiêm mũi thứ 2 đúng hạn để an toàn hơn, thuận lợi hơn trong công việc của mình” - anh T. nói.