Lo việc đưa đón con
Trưa 5.9, sau khi kết thúc buổi làm việc, vợ chồng anh Hồ Văn Linh (trú tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) lấy xe máy về quê thăm con. Rất mong được đưa con đến lễ khai giảng vào sáng cùng ngày, nhưng anh Linh không thể sắp xếp được công việc.
Vợ chồng anh Linh có 2 con, cháu đầu năm nay lên lớp 4, cháu út mới 3 tuổi học mẫu giáo. Vì phòng trọ chật chội, lại không có người trông nom con nên anh chị đành gửi cả 2 cháu về quê cho ông bà nội chăm sóc.
Khi được hỏi điều gì làm anh lo lắng nhất khi vào đầu năm học mới, anh Linh chia sẻ: “Các con tôi đều học ở quê nên không tốn kém lắm về tiền bạc. Nhưng điều tôi lo nhất là việc đưa đón cháu út học cách nhà 2km. Hàng ngày, bà nội đạp xe đưa đón cháu. Bà năm nay đã 64 tuổi rồi”.
Mỗi tháng, anh Linh gửi về cho ông bà 2 triệu đồng để chăm nuôi các cháu. Ngoài ra, anh còn mua sữa, quà bánh gửi về. Anh cho biết, trong một vài năm tới, anh vẫn gửi hai cháu ở nhà, còn hai vợ chồng vẫn tiếp tục mưu sinh ngoài Hà Nội.
Vợ chồng chị Bùi Thị Xường (xã Định Cư, huyện Lập Sơn, tỉnh Hoà Bình) cũng có nhiều nỗi lo lắng hơn khi các con bước vào năm học mới. Vợ chồng chị Xường trước đây vốn làm công nhân (CN) tại KCN Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh). Anh chị có 3 cháu, một cháu năm nay vào lớp 1, một cháu học mẫu giáo, còn một cháu vừa mới sinh. Khi chuẩn bị sinh cháu thứ 3, chị Xường về quê, còn anh vẫn tiếp tục tha hương mưu sinh.
“Cách đây 2-3 tháng, một phần do ảnh hưởng của COVID-19 khiến thu nhập giảm, hơn nữa, một mình tôi ở nhà với ông bà (đã cao tuổi) không thể xoay xở trông, đưa đón các con đi học được. Hai cháu đầu đều phải đưa đón đi học với quãng đường không ngắn, trong khi đó, ông bà không đi xe máy được nên rất khó khăn. Vì vậy, chồng tôi cũng đành nghỉ việc, về quê để trông nom cho các cháu” - chị Xường kể lại.
Đông con, nhiều khoản chi phí, nhưng hiện nay, cả hai vợ chồng đều không có thu nhập. “Thời gian này, vợ chồng tôi đành phải vay mượn để trang trải cho cuộc sống” - chị Xường than thở.
Mới đây, anh chị đóng 1 triệu đồng cho cháu lớn vào lớp 1, còn các khoản khác, do chưa họp phụ huynh nên chưa rõ là bao nhiêu. Để có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình, chồng chị đã làm hồ sơ để sắp tới lại lên Khu công nghiệp (KCN) Quế Võ tìm việc mới. “Tôi dự định ra Tết cũng sẽ theo chồng. Có lẽ, 2 vợ chồng sẽ đưa cháu út đi cùng, còn 2 cháu đầu thì vẫn gửi ở quê cho ông bà” - chị Xường nói.
Chồng mất việc, vợ bị giảm thu nhập
Bẵng đi một vài tháng không liên lạc, khi tôi gọi điện hỏi thăm thì anh Nguyễn Văn Linh (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) buồn bã cho biết mình vừa bị mất việc. “Tháng 6 vừa rồi, khi sắp hết thời hạn hợp đồng lao động 3 năm, công ty tổ chức khám sức khoẻ. Do không đạt, nên công ty không ký tiếp hợp đồng với tôi nữa” - anh Linh giải thích.
Mất việc khiến anh Linh rất lo lắng, nhất là khi cùng với đó thu nhập của vợ anh - là CN - giảm đi rõ rệt so với trước. Trước đây, thu nhập của vợ anh có thể lên đến 10 triệu đồng/tháng, thì nhiều tháng nay, do tác động của COVID-19, số tiền này giảm xuống chỉ còn 5-6 triệu đồng/tháng.
Một trong những việc anh Linh buộc phải làm để giảm chi phí cho gia đình khi thu nhập giảm đó là chuyển lớp cho con gái năm nay 5 tuổi từ lớp nâng cao xuống lớp thường.
3 tháng nay, anh Linh chạy khắp nơi để xin việc, nhưng “do dịch COVID-19, hơn nữa, vị trí công việc của tôi là quản lý - vị trí có kinh nghiệm, thu nhập cao - nên ít nơi tuyển. Còn đi làm CN thì ở tuổi của tôi (anh Linh đã 33 tuổi), người ta không tuyển nữa. Mà làm CN thì thu nhập ít, làm nhiều hơn, không có thời gian cho con” - anh Linh cho hay.
Để có tiền cho gia đình, nuôi con ăn học, anh Linh tiếp tục công việc là cộng tác viên bán rượu, đồng thời nhập thêm mặt hàng yến sào từ Khánh Hoà để bán. “Nhưng do dịch COVID-19 nên việc kinh doanh không được tốt lắm, thu nhập từ việc làm thêm không đáng là bao” - anh Linh nói.
Theo anh Linh, dù thu nhập giảm, nhưng anh có điểm may mắn hơn là có thời gian để đưa đón, chăm sóc con. “Nhiều CN không sắp xếp được thời gian, phải thuê người ngoài đưa đón con đi học, tốn thêm 1-2 triệu đồng nữa” - anh Linh cho biết.