Muốn có lương hưu, nhưng… quá xa vời
Ngày 25.11 tới đây, chị Phạm Thị Nguyệt (quê ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá) sẽ được nhận tiền BHXH 1 lần sau một năm nghỉ việc. Trước đây, chị Nguyệt làm công nhân cho một công ty may mặc ở gần nhà, tổng số năm đóng BHXH là 3 năm 7 tháng.
Quyết định nghỉ việc khi 43 tuổi, những bộn bề của công việc gia đình, sức khoẻ lại giảm sút nên chị Nguyệt quyết định không xin làm ở công ty khác. Với số tiền BHXH 1 lần mà chị áng chừng sẽ nhận được, chị bàn với chồng sẽ dùng để trả nợ.
“Một năm qua nghỉ việc ở nhà, không đi làm công ty, tôi phải vay mượn thêm để đầu tư trang trại chăn nuôi. Nay được hưởng chế độ BHXH 1 lần, tôi sẽ đem trả nợ. Chắc cũng không còn dư đồng nào” - chị Nguyệt nói.
Nghỉ việc giữa chừng, chị Nguyệt hiểu rằng sẽ rất khó tiếp tục tham gia BHXH để sau này có lương hưu. Chị cũng không còn cách nào khác vì số tiền BHXH 1 lần thời điểm này thật sự cần thiết với gia đình. Không đi làm công ty, nếu muốn tham gia BHXH tự nguyện thì số tiền đóng hằng tháng cũng khó để xoay sở. Chị Nguyệt tâm sự, ở nơi chị sống, chị em công nhân nghỉ công ty là ở nhà hẳn, hầu hết đều không đủ điều kiện kinh tế để tham gia BHXH tự nguyện. “BHXH 1 lần giải quyết được những khó khăn cấp bách trước mắt với chúng tôi. Mặc dù rất muốn có lương hưu nhưng điều này xa vời lắm” - chị Nguyệt bộc bạch.
Bà Trần Thị Hồi (xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) nghỉ việc năm 2020, sau 3 năm làm công nhân. Bị bệnh nặng, không đảm bảo sức khoẻ, bà Hồi quyết định rút BHXH 1 lần. “Tôi được nhận 21 triệu đồng tiền BHXH 1 lần. Số tiền đó tôi dùng để mua thuốc chữa bệnh, trả nợ…” - bà Hồi kể lại.
Bà Hồi biết rằng nếu hưởng BHXH 1 lần, bà sẽ không có cơ hội để hưởng lương hưu khi về già, nhưng “tính đi tính lại, tôi không có cách nào khác”. “Ai mà chẳng muốn về già có lương hưu để đỡ khó khăn, chật vật khi mà tuổi cao, sức yếu, nhưng với số năm tham gia BHXH thấp, sức khoẻ lại kém, tôi không thể tiếp tục làm công nhân, tiếp tục tham gia BHXH” - bà Hồi chia sẻ.
Ở quê làm ruộng, buôn bán đồng nát, năm 42 tuổi bà Hồi mới đi làm công nhân và bắt đầu được đóng BHXH. Khi nghỉ việc, bà Hồi đã 45 tuổi. Trong khi đó, theo như bà được biết, bà phải đóng BHXH 17 năm nữa mới được hưởng lương hưu. Thời điểm đó, bà đã gần 60 tuổi. “Nhiều người cũng nói nếu tôi đóng BHXH 100% trong những năm còn lại thì sau này sẽ được hưởng lương hưu. Nhưng tôi không có việc làm, sức khoẻ yếu, không “kham” nổi số tiền phải đóng”, bà Hồi nói.
Thu nhập của người lao động quá thấp
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Đình Quảng - Phó Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho rằng, việc nhiều người lao động nhận BHXH một lần ảnh hưởng đến việc mục tiêu bao phủ tham gia BHXH theo Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH. Bên cạnh đó, rút BHXH còn ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội lâu dài, bền vững, đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi về già (chế độ hưu trí). “Những người nhận BHXH một lần thường sẽ không có cơ hội để tiếp tục tham gia BHXH để đảm bảo chế độ hưu trí” - ông Lê Đình Quảng nhận định.
Nói về nguyên nhân của tình trạng này, Phó Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, do quy định của chính sách pháp luật thực sự chưa hấp dẫn, trong đó có điều kiện, thời gian tham gia để được hưởng chế độ hưu trí. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cho người lao động nắm bắt được các chế độ chính sách, đặc biệt phân tích những mặt lợi, hại của chính sách an sinh xã hội, nhất chế độ hưu trí chưa được tốt.
“Một nguyên nhân nữa là thu nhập của người lao động quá thấp. Thường, người lao động “ráo mồ hôi là hết tiền”. Qua đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 càng rõ: Người lao động cứ nghỉ việc là không còn tiền tích trữ. Vì vậy, khi họ nghỉ việc, họ phải phải có tiền để trang trải cuộc sống trước mắt, nên nhiều người làm thủ tục BHXH một lần” - ông Quảng lý giải.
Từ những nguyên nhân trên, ông Lê Đình Quảng cho rằng, giải pháp căn cơ nhất cho trình trạng trên là phải nâng cao thu nhập cho người lao động để khi làm việc, họ đảm bảo được cuộc sống, nhưng khi họ nghỉ việc, không có việc làm thì có tích trữ. Cùng với đó, cần tăng cường công tác truyền thông để người lao động thấy được lợi ích của việc tham gia BHXH, nhất là chế độ hưu trí; sửa đổi quy định của pháp luật làm sao linh hoạt, hấp dẫn; tăng cường thực hiện các chính sách an sinh xã hội; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát để tránh các trường hợp vi phạm pháp luật. Ngoài ra, cần phải có chính sách việc làm bền vững…