Với tinh thần, thái độ phục vụ nhằm mang lại sự thuận lợi, hài lòng cho các cá nhân, tổ chức đến giao dịch, thời gian qua, ngành BHXH tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động nghiệp vụ.
Theo đó, BHXH tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin, tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn thông tin truy cập hệ thống thông tin của ngành. Đồng thời, đề xuất trang bị 27 thiết bị đầu đọc thẻ căn cước công dân gắn chíp tích hợp sinh trắc tại các quầy tiếp nhận hồ sơ, tạo thuận lợi cho người dân khi đến làm thủ tục.
Tính đến tháng 12.2022, toàn tỉnh Ninh Bình có 3.559 đơn vị sử dụng lao động đăng ký giao dịch BHXH điện tử, đạt 93,8% so với tổng số đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Ngoài ra, số đơn sử dụng lao động có chữ ký số là 3.407 đơn vị đạt 94,5% so với tổng số đơn vị đăng ký giao dịch BHXH điện tử. Tỉ lệ hồ sơ giao dịch BHXH điện tử trong tháng 11.2022 là 96,52%, trong đó: lĩnh vực thu BHXH, BHYT, BHTN đạt 97,89%; lĩnh vực cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đạt 80,48%; lĩnh vực thực hiện chính sách BHXH đạt 90,43%, lĩnh vực chi trả các chế độ BHXH đạt 23,81%.
Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã chuyển dữ liệu theo mẫu quy định trong Quyết định số 4210/QĐ-BYT. Đặc biệt, đến nay, BHXH tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt cập nhật thông tin cá nhân, căn cước công dân trong hộ gia đình cho 230.729 người. Tỉ lệ người biết sử dụng căn cước công dân đi khám chữa bệnh là 34,3% (đứng thứ 2/10 tỉnh, thành phố trên cả nước có tỉ lệ người biết sử dụng căn cước công dân nhiều nhất khi đi khám chữa bệnh).