Các thầy cô cũng đánh giá cao CĐ Giáo dục Hà Nội phối hợp với Sở GDĐT TP.Hà Nội triển khai tốt phong trào “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” trong năm học 2016 - 2017 với dấu ấn 50 nhà giáo được tôn vinh, trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” lần thứ nhất.
Không ngừng khát khao sáng tạo
Một trong số 50 nhà giáo được nhận Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” năm học 2016-2017 là cô giáo Phan Thị Thúy Vân - giáo viên Trường THCS Thanh Thùy (huyện Quốc Oai). Đã 24 năm trong nghề, cô giáo Vân chưa bao giờ cảm thấy nguôi tinh thần tự học và sáng tạo. Để giúp các em học sinh gắn việc học ở trường với xử lý các vấn đề liên quan quanh mình, cô có ý tưởng rất táo bạo, đó là tập cho các em làm phóng viên bảo vệ môi trường. Ý tưởng này xuất phát từ việc Thanh Thùy là xã loại giàu của huyện Quốc Oai, nhưng hoạt động của các làng nghề điêu khắc, kim khí nơi đây cũng tạo nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do hàn, mạ axít, phun dầu bóng… Cô Vân đã phối hợp với giáo viên dạy các môn sinh vật, giáo dục công dân tuyên truyền cho các em để các em hiểu và về tuyên truyền với gia đình. Bởi được tập làm phóng viên bảo vệ môi trường nên các em rất thích thú. Qua tuyên truyền, phản ánh của các em, nhiều bố mẹ, gia đình trong làng đã có phương án để tránh gây ô nhiễm môi trường như: Không phun dầu bóng trong sân nhà, xây bể lắng để chứa nước thải mạ axít, xử lý rác thải…
Với cô Lê Thị Mai Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đền Lừ (quận Hoàng Mai), đạo đức người thầy đầu tiên phải là cái tâm, là tình thương yêu học trò. Sự sáng tạo trong dạy và học không phải là cái gì đó xa xôi mà nhiều khi chỉ từ những điều tưởng như đơn giản. Để cuốn hút học sinh tập trung nghe giảng, cô Hoa đã luyện cách truyền đạt bài giảng thông qua giọng nói hấp dẫn, thuyết phục. Cô Hoa cũng chú trọng cho học sinh thảo luận nhóm, tạo ra các trò chơi học mà chơi, chơi mà học để tạo sự thoải mái, hứng thú và dễ nắm kiến thức cho các em… “Giáo viên thì phải có tâm thế của người dạy học, để khi qua sông, các thế hệ học sinh vẫn luôn nhớ và trân trọng mình - người chèo đò” - cô Hoa nói.
Cập nhật công nghệ thông tin, sử dụng máy chiếu khi lên lớp là cách thức để giúp học sinh có buổi học thoải mái, chất lượng của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo - giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (huyện Ba Vì). Bài giảng môn giáo dục công dân của cô Thảo không bao giờ sáo mòn, khô cứng mà luôn đầy ắp những vấn đề thời sự trong nước, quốc tế được cập nhật, phân tích quan điểm, qua đó cung cấp những kiến thức mới, khơi dậy sự hứng thú trong buổi học, định hướng cách nhìn nhận, xử lý vấn đề cho học sinh. Để làm được điều đó, giáo viên phải dành nhiều thời gian để cập nhật thông tin liên quan tới bài giảng của mình, phải yêu nghề, say nghề, thương yêu học sinh mới làm được. Hiệu quả là học sinh nắm bài tốt, nhiều em đạt điểm xuất sắc khi thi đại học.
Khẳng định vai trò của công đoàn
Theo nhà giáo Doãn Hoàng Quý - Chủ tịch CĐ Trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên) và một số nhà giáo khác, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” giai đoạn 2007-2017 và phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” chính là hai vấn đề cốt lõi để nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường. Bởi vậy, thực hiện chỉ đạo của CĐ Giáo dục VN, CĐ các trường đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền, vận động, tập hợp và khơi dậy sức mạnh của các nhà giáo và các tập thể trong trường; thực hiện tốt dân chủ hóa, tạo được sự đồng thuận cao trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; nêu cao trách nhiệm, khách quan, trung thực trong công tác kiểm tra, đánh giá, thi đua khen thưởng…
Bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch CĐ Giáo dục Hà Nội - cho hay, qua 10 năm thực hiện cuộc vận động, đội ngũ nhà giáo Hà Nội đã không ngừng học tập nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc. Nếu năm học 2011-2012, trình độ giáo viên đạt trên chuẩn (Mầm non: 37,4%; Tiểu học: 92%; THCS: 62,4%; THPT: 5,9%...) thì đến năm học 2016-2017, tỉ lệ trên chuẩn của các cấp học đã tăng lên rất nhiều (Mầm non: 63,5%, Tiểu học: 92,6%, THCS: 79,4%, THPT: 28,6%)… Phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) ngày càng được đẩy mạnh. Trong 10 năm qua, toàn ngành có 211.956 SKKN được xếp loại cấp trường; 114.092 SKKN được xếp loại cấp quận, huyện; 50.314 SKKN xếp loại cấp ngành, trong đó, có 29 SKKN loại A và 12.445 SKKN loại B; 102 cá nhân được UBND TP.Hà Nội tặng Bằng “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”. Nhiều SKKN có giá trị được phổ biến, áp dụng trong thực tế giảng dạy.
Để thực hiện cuộc vận động và phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, toàn ngành đã có 4.700 nhóm nhà giáo cùng phát triển được thành lập và hoạt động hiệu quả; 6.525 chuyên đề đổi mới sáng tạo được thực hiện. Việc CĐ Giáo dục Hà Nội cùng Sở GDĐT TP.Hà Nội thành lập Giải thưởng ”Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” và đã trao thưởng lần thứ nhất cho 50 nhà giáo chính là để tôn vinh các nhà giáo xuất sắc, khích lệ các nhà giáo khác tâm huyết với nghề, không ngừng sáng tạo; góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục thủ đô và cả nước.