Công nhân mong được thưởng Tết nhiều hơn
Chị Nguyễn Thị Thanh Bình làm công nhân (CN) cho Công ty Cổ phần May Đông Mỹ Hanosimex (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã được 22 năm. Hiện, thu nhập trung bình của chị là 6,5-7 triệu đồng/tháng (sau khi trừ các khoản như đóng bảo hiểm…). Chị Bình nhớ lại, Tết năm 2019, chị được thưởng 1,5 tháng lương (tương đương 13 triệu đồng) và 3 triệu đồng quà của công ty (gồm tiền mặt và quà), tổng cộng được 16 triệu đồng. Cộng với tiền lương, chị cầm về hơn 23 triệu đồng. Với số tiền này, sau khi trang trải các khoản dịp Tết, chị còn để lại được gần 10 triệu đồng.
“Cũng như nhiều CN khác, tôi luôn mong chờ thưởng Tết năm nay sẽ khá hơn những năm trước để mình có thêm tiền lo Tết cho gia đình. Năm nay, tôi thấy công việc thuận lợi hơn, đơn hàng nhiều, nên đoán và hy vọng sẽ được thưởng Tết nhiều hơn” - chị Bình chia sẻ.
Là tổ trưởng, có mức lương cao hơn nên chị Chu Thị Hà được thưởng Tết nhiều hơn CN. Như năm ngoái, tính cả lương, thưởng, chị được 28 triệu đồng, đủ để lo cái Tết ấm áp cùng gia đình. “Với số tiền trên, tôi chỉ dành tiêu cho Tết khoảng 10 triệu đồng; còn lại thì dành dụm để trang trải sinh hoạt của gia đình sau Tết, lo cho 2 con ăn học”- chị cho biết. Cũng như chị Bình, với tình hình sản xuất kinh doanh khả quan của công ty, chị Hà tin tưởng thưởng Tết năm nay sẽ cao hơn năm ngoái, với số tiền dự kiến được cầm về tầm hơn 30 triệu đồng (cả tiền lương, thưởng).
Bà Chu Thị Tuyết Mai - Chủ tịch CĐ Công ty May Đông Mỹ - cho hay, mọi năm, công ty vẫn thưởng Tết cho CN là 1,5 tháng lương và một phần quà của công ty là 3 triệu đồng. Năm nay, theo CĐ nắm bắt được, công ty vẫn giữ nguyên mức này. Nhưng do lương hằng tháng của CN đã tăng hơn so với năm ngoái, nên mức lương, thưởng Tết dự kiến tăng 15% so với năm trước. “Mặc dù CĐ luôn muốn người lao động (NLĐ) có mức thưởng Tết cao nhất, nhưng thưởng Tết còn căn cứ vào tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty. CĐCS vẫn thường có ý kiến để chủ sử dụng lao động lắng nghe về vấn đề lương thưởng Tết”- bà Mai nói.
Thưởng Tết tăng hơn 10% so với năm trước
Ở góc độ chủ sử dụng lao động, bà Phạm Thị Lan Hương - Giám đốc Công ty Cổ phần May xuất khẩu Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) - cho biết, mục tiêu của công ty đề ra đối với lương bình quân trong năm 2019 là từ 7,5-8 triệu. Kết thúc tháng 10.2019, lương bình quân của công ty đạt gần 7,8 triệu, cao hơn 10% so với năm 2018. Cùng với đó, công ty dự kiến tiền thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên gấp hơn 2 lần tiền lương bình quân của NLĐ, tức bình quân khoảng 17-18 triệu đồng/người.
“Là người chủ sử dụng lao động, nhưng cũng như CN, tôi mong muốn NLĐ có mức tiền lương và thưởng Tết cao hơn. Tuy nhiên, do phải căn cứ vào tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty, nên việc cải thiện, nâng cao đời sống NLĐ đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa”- bà Hương chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồng Chiến - Trưởng ban Tuyên giáo (CĐ Dệt May Việt Nam) - nói rằng, về thu nhập, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, ngành Dệt gặp nhiều khó khăn hơn. Trong khi đó, ngành May khả dĩ hơn, có giá trị lợi nhuận cao hơn so với năm ngoái. Nhiều đơn vị đã có đơn hàng đảm bảo đến tháng 3-4.2020. Theo thống kê của CĐ Dệt May Việt Nam, đến thời điểm này, thu nhập bình quân của NLĐ ngành May là gần 8 triệu đồng/người/tháng; tăng 7% so với năm 2018. Đối với thưởng Tết, như năm trước, bình quân là khoảng 1,5 tháng lương, nhưng do thu nhập của CN đã tăng, nên theo tính toán của CĐ Dệt May, thưởng Tết tăng 10,3% so với năm trước.
“Tuy tỉ lệ ít, nhưng trong ngành vẫn có những đơn vị gặp khó khăn. Đối với những trường hợp này, CĐ Dệt May Việt Nam sẽ theo sát và có chính sách hỗ trợ đối với NLĐ tại các DN này. Còn về cơ bản, các DN vẫn đảm bảo chế độ Tết cho NLĐ. Vì ngành May có sự cạnh tranh rất lớn về lao động, nên nếu đơn vị nào không đảm bảo tiêu chuẩn, chế độ cho NLĐ, nhất là dịp Tết, thì những đơn vị đấy rất dễ mất lực lượng lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển của đơn vị”- ông Nguyễn Hồng Chiến phân tích.