Buổi làm việc liên quan đến các vấn đề như: Thực hiện Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng tới năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1780) và Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các doanh nghiệp đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 231) và kiểm tra, đánh giá phân loại Nhà Văn hóa Lao động của các tổ chức Công đoàn.
Tại buổi làm việc, đại diện LĐLĐ các địa phương đã báo cáo nhiều khó khăn trong việc thực hiện đề án 231. Dù được triển khai rộng và có kế hoạch, tuy nhiên việc tổ chức các lớp học, xây dựng các trường đào tạo cho công nhân vẫn gặp nhiều bất cập. Nguyên nhân do công nhân không mặn mà với việc học tập.
Sau khi nghe các LĐLĐ báo cáo công tác triển khai thực hiện, cũng như khó khăn trong quá trình triển khai các Đề án trên, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải cho rằng, Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các doanh nghiệp đến năm 2020” bảo vệ quyền lợi để người lao động, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang vận động rất nhanh.
Theo Phó Chủ tịch Trần Thanh Hải, việc khuyến khích cho người lao động nỗ lực học tập là cần thiết, bởi học nghề là phải học liên tục, học suốt đời thì công nhân mới được nâng cao trình độ, nâng cao tay nghề, có thể tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.
Ngoài ra, việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cho người lao động là rất cần thiết và quan trọng. Thiết chế nhà văn hóa trong các khu công nghiệp là cần thiết, phục vụ tốt và nâng cao đời sống tinh thần của công nhân, đồng thời, củng cố uy tín của tổ chức Công đoàn trong người lao động.
“Sinh ra nhà văn hóa của người lao động thì trước hết phải phục vụ cho người lao động, phục vụ về đời sống tinh thần cho người lao động. Người lao động phải cảm nhận được rằng, đây là nơi giúp cho đời sống tinh thần của họ ngày càng phong phú và cuộc sống của họ ngày càng tốt đẹp hơn” – Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN khẳng định.