Hôm nay (ngày 1.7), mức lương tối thiểu vùng chính thức được điều chỉnh tăng thêm từ 180.000 đồng - 260.000 đồng tuỳ thuộc theo vùng.
Là doanh nghiệp có hơn 7.000 người lao động, Tổng Công ty May 10 thực hiện điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng 6%. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết, đơn vị đã xây dựng thang bảng lương mới theo quy định tại Nghị định số 38 của Chính phủ. Bên cạnh đó, công ty vẫn duy trì hỗ trợ người lao động tiền chuyên cần, ăn ca, xăng xe, hỗ trợ xe đưa đón… khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng.
Bà Huỳnh Anh Thư – Chủ tịch Công đoàn Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Trước 1.7, công ty trả lương cho người lao động là hơn 4,6 triệu đồng/tháng. Mức này đang cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Song, để khuyến khích họ, từ hôm nay, công ty chính thức điều chỉnh tăng thêm 6% tiền lương”.
Để có quyết định này, Ban Chấp hành Công đoàn đã có cuộc họp với Ban Giám đốc, pháp chế… bàn bạc về việc điều chỉnh tăng lương. Sở dĩ đã trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng mà vẫn tăng lương, bà Thư cho biết, đa số công nhân tại công ty đều là lao động được đào tạo, có tay nghề như nhân viên bán hàng, công nhân sản xuất. Công ty quyết định tăng lương để giữ chân người lao động.
Công ty May liên doanh Plummy cũng tăng lương cơ bản 6% cho công nhân làm công việc giản đơn từ 4.641.000 đồng/tháng lên 4.914.000 đồng/tháng; công nhân may, cắt, là (đã qua đào tạo nghề) lương cơ bản từ 4.965.870 đồng/tháng được tăng lên thành 5.257.980 đồng/tháng.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho hay, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1.7.2022 với mức tăng thêm 6% so với hiện hành là sự chia sẻ rất lớn của doanh nghiệp với người lao động.
Khi có Nghị định 38 của Chính phủ cùng với những hướng dẫn của các bộ ngành liên quan, đơn vị cũng có hướng dẫn xuống các doanh nghiệp để sớm có kế hoạch thực hiện, điều chỉnh.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, mức lương tối thiểu được thông qua chỉ là mức sàn thấp nhất bảo vệ lao động yếu thế. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp thuộc hiệp hội có mức lương được trả cho người lao động cao hơn mức sàn này.
"Đây là kết quả thoả thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Bởi xét cho cùng nếu trả lương theo mức tối thiểu sẽ không đáp ứng mức sống hằng ngày nên người lao động khó lòng chấp nhận” – ông Mạc Quốc Anh nói.
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, mức tăng 6% là mức phù hợp để đảm bảo hài hòa cho các bên. Tuy nhiên, thời điểm đề xuất dù đã đặt vấn đề giá cả tăng nhưng không nghĩ lại tăng cao như hiện nay khiến người lao động tiếp tục khó khăn.
"Vì vậy, bên cạnh việc các doanh nghiệp triển khai đầy đủ, đúng tinh thần Nghị định 38, chúng tôi mong muốn Chính phủ có các chính sách kiềm chế lạm phát giá cả, bởi lẽ khi giá cả tăng cao như hiện nay thì thu nhập thực tế của người lao động giảm sút" - ông Quảng nhấn mạnh.