Những mảnh vỡ với dạng hình cầu nhỏ có thể đã hình thành khi thiên thạch va vào Trái đất và phun đá tan chảy vào không khí.
Loại đá nóng chảy này sau đó được làm nguội và cứng lại tạo thành những hạt có kích thước bằng đầu ngón tay bị chôn vùi qua nhiều thời đại.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra khám phá này tại Hội nghị Khoa học Hành tinh và Mặt Trăng lần thứ 54 ở Texas, Mỹ vào tuần trước.
Trong phần tóm tắt kết quả, các nhà khoa học kết luận rằng các khối cầu mà họ đã khoan được từ một nhóm đá núi lửa và đá trầm tích có tên là hệ tầng Dresser thuộc nền cổ Pilbara Craton ở Tây Australia là bằng chứng lâu đời nhất về tác động của một thiên thạch lớn đối với Trái đất.
Cho đến nay, bằng chứng lâu đời nhất về tác động của thiên thạch là các khối cầu 3,47 tỉ năm tuổi cũng từ Pilbara Craton và các mảnh vỡ 3,45 tỉ năm tuổi được tìm thấy ở Kaapvaal Craton, Nam Phi.
Nghiên cứu mới này ghi nhận các mảnh vỡ có niên đại lên tới 3,48 tỉ năm, già hơn khoảng 10 triệu năm so với những kết quả được tìm thấy trước đây.
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng các mảnh vỡ có nguồn gốc ngoài hành tinh do thành phần hóa học của chúng.
Họ đã phát hiện các nguyên tố nhóm bạch kim với hàm lượng cao hơn nhiều so với lượng thường thấy trong đá trên Trái đất.
Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý các mảnh vỡ có hình dạng giọt nước đặc trưng được hình thành sau các vụ va chạm của thiên thạch.
Bằng chứng về sự va chạm của thiên thạch với Trái đất rất khó tìm và thường gây tranh cãi. Kiến tạo mảng và sự xói mòn tác động đến lớp vỏ của hành tinh có thể xóa dấu vết của các cuộc va chạm cổ xưa.
Nhóm khoa học hiện đang nghiên cứu và phân tích sâu hơn các dữ liệu từ những gì họ đã khoan được để tìm hiểu về vụ va chạm với thiên thạch.
Những vụ va chạm cổ xưa như thế này đã định hình các điều kiện trên Trái đất sơ khai và nắm giữ những manh mối hiếm hoi về lịch sử của hành tinh chúng ta.