Bỏ biên chế, hiệu trưởng sẽ lạm quyền
Vụ học sinh gặp tai nạn trong Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) đã khép lại nhưng bài học về thiếu dân chủ trong trường học vẫn còn “nóng”. Trước đó, rất nhiều vụ việc hiệu trưởng lạm quyền, sa thải giáo viên vô cớ cũng khiến thầy cô mất đi niềm tin.
Những ngày qua, chủ trương thí điểm bỏ biên chế giáo viên của Bộ GDĐT không chỉ người thiếu năng lực đang dựa vào hai chữ “biên chế” để giữ chỗ lo lắng, mà người có năng lực cũng băn khoăn. Điều họ lo nhất là nếu hiệu trưởng có thêm quyền tuyển dụng trong tay, liệu người giỏi có được trọng dụng, hay sẽ xảy ra tình trạng giáo viên bị hiệu trưởng chèn ép, sa thải vô cớ để lấy chỗ cho người nhà.
Hiện nay, giáo viên biên chế đã chẳng dám phản kháng dù lãnh đạo làm sai. Còn giáo viên hợp đồng thì sao, họ có dám lên tiếng?
Để giải quyết nỗi lo này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng- cho rằng: Khi Bộ GDĐT tiến hành thí điểm bỏ biên chế giáo viên, nên bắt đầu từ hệ thống quản lý, từ việc bỏ công chức, viên chức với những người đứng đầu nhà trường trước.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng nên giao quyền tự chủ về cho các trường. Ảnh: B.H |
“Hiệu trưởng, hiệu phó cũng là giáo viên giỏi được đề bạt lên, trong cuộc đổi mới này, họ phải cùng thuyền với giáo viên. Chứ hiệu trưởng, hiệu phó là công chức, viên chức e rằng không ổn, việc tuyển giáo viên nó sẽ bị méo mó. Theo tôi, tất cả lãnh đạo đến nhân viên ở các trường đều áp dụng theo hình thức hợp đồng lao động. Thậm chí người đứng đầu nhà trường phải trải qua thử thách khắt khe hơn, bởi người lãnh đạo giỏi mới dẫn dắt nhà trường phát triển được – Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm thẳng thắn.
Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Giáp Văn Dương - người sáng lập nền tảng giáo dục trực tuyến GiapSchool - cho rằng: “Việc thí điểm bãi bỏ chế độ công chức, viên chức giáo viên là một tiến bộ, luật chơi mới của ngành giáo dục. Đã là luật chơi, thì cần áp dụng cho mọi công chức, viên chức của ngành, từ bộ trưởng xuống các cán bộ quản lý, các hiệu trưởng, chứ không chỉ giáo viên”.
GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam - cũng đề xuất, nếu giáo viên theo chế độ hợp đồng thì chẳng có lý do gì hiệu trưởng lại hưởng chế độ biên chế. Cả hiệu trưởng hay hiệu phó cũng chỉ là người làm công ăn lương giống như giáo viên. Làm được như vậy cũng là cách để đảm bảo tính dân chủ trong trường học.
Nếu không điều hành tốt, hiệu trưởng cũng bị sa thải
Hiện nay, nỗi lo mất biên chế phần nhiều nằm ở những giáo viên trường công lập. Cũng bởi tâm lý luôn coi biên chế là chỗ trú chân an toàn cho đến tuổi nghỉ hưu. Điều này đi ngược với xu hướng chung, cũng giảm tính cạnh tranh trong công việc.
Theo Tiến sĩ Giáp Văn Dương, đã đến lúc ngành giáo dục nên chuyển mình để có những đột phá, mở đầu bằng việc giao quyền tự chủ cho các trường. Việc bỏ biên chế cũng là cách các trường chọn được người tài, có điều người đứng đầu nhà trường phải có trình độ và trách nhiệm.
Mà muốn họ có trách nhiệm, Tiến sĩ Dương hiến kế: “Hiệu trưởng hiện giờ quyền lực đã rất lớn, nay được thêm quyền tự ý tuyển dụng thì có thể sẽ phát sinh nhiều tiêu cực nếu không có giám sát và giải trình trách nhiệm. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể tìm ra biện pháp để giải quyết vấn đề này.
Giải pháp phù hợp nhất, theo tôi, là thành lập hội đồng trường, có sự tham gia của giáo viên, phụ huynh, cán bộ quản lý giáo dục, các doanh nhân, nhà khoa học, nhà văn hóa… và cả đại diện học sinh nữa. Hội đồng trường sẽ hoạt động như hội đồng quản trị của trường tư thục, và quyết định việc bổ nhiệm, bãi nhiệm hiệu trưởng nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc lạm quyền, khuất tất. Như thế, hiệu trưởng cũng phải cạnh tranh”.