Sự việc xảy ra ngày 16.4 vừa qua, khi bác sĩ Dương đang xem hồ sơ bệnh án của bệnh nhi. Sau đó, bác sĩ Dương được cấp cứu, khâu 7 mũi và đang theo dõi chấn thương sọ não. Thêm một giọt nước tràn ly, gióng một hồi chuông báo động về cách hành xử của người dân với cán bộ nhân viên y tế và hậu quả nghiêm trọng của cách hành xử này.
Mới đây, vào ngày nghỉ, tôi đưa con vào cấp cứu ở bệnh viện tỉnh cũng chứng kiến một trường hợp tương tự. Khi con tôi đang nằm chờ theo dõi ở phòng cấp cứu thì một bệnh nhân được chuyển vào. Chờ bác sĩ trực xử lí đến lượt mình hơi lâu nên người nhà bệnh nhân đã to tiếng, văng tục, thậm chí là hung hăng tuyên bố: Xử lí người nhà tôi thế nào thì hãy trả lời nhanh một tiếng. Sau đó, người bệnh được đưa về khoa điều trị để theo dõi, song nhìn thái độ buồn và thất vọng của bác sĩ trực khám bệnh lúc ấy, tôi đã nghĩ rằng, nghề y không phải cao quý như lâu nay mình vẫn nghĩ mà là nghề nguy hiểm, phải nói là vô cùng gian nan nguy hiểm.
Chúng ta đều biết rằng, để ước mơ trở thành bác sĩ thành hiện thực đòi hỏi sự nỗ lực ngay từ khi các cô cậu học trò còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ phải “cày” cật lực trên cánh đồng chữ nghĩa để trở thành học sinh ưu tú nhất, xuất sắc nhất thì mới có thể chạm đến cánh cổng của trường y. Và để rồi, khi vào trường, trong khi nhiều sinh viên khác có thể có nhiều quỹ thời gian để vui chơi thì sinh viên trường y lại bước vào cuộc chinh phục mới, tiếp tục nỗ lực học tập, nghiên cứu, thực tập… mà một người không đủ đam mê, ý chí và nghị lực sẽ khó mà trụ lại được.
Khi chọn trường y, họ đã chấp nhận dấn thân vào nhiều khó khăn và nguy hiểm hơn đó là luôn phải tiếp xúc với bệnh nhân (là những người không sạch sẽ, không bình thường, không vui tươi…) và đối mặt với những rủi ro trong nghề nghiệp, đó còn là nỗi bất lực khi không thể cứu chữa được bệnh nhân của mình.
Họ cần biết bao sự thông cảm, trân trọng từ phía cộng đồng xã hội, cụ thể là người nhà bệnh nhân. Đằng này, họ không những không được trân trọng mà còn bị sỉ nhục, bị hành hung. Đây là sự nguy hiểm rình rập hàng ngày mà bản thân họ không thể chủ động kiểm soát được. Đi sông nước thì chuẩn bị áo phao, cảnh sát truy bắt tội phạm thì trang bị áo chống đạn, ra đường sợ tai nạn giao thông thì trang bị mũ bảo hiểm thật tốt…, nhưng cán bộ và nhân viên y tế thì phải làm sao khi sự nguy hiểm đến từ nơi không thể lường được, vụ bác sĩ Lê Quang Dương - Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, Hà Nội bị người nhà bệnh nhân tấn công khi đang xem hồ sơ bệnh án là một minh chứng.
Dân gian thường nói “qua sông lụy đò”, khi chúng ta bị bệnh thì chỉ có thể tìm đến bác sĩ, tìm đến bệnh viện để được thăm khám và chữa trị. Nếu ngay cả thái độ “lụy đò” đơn giản nhất với người cầm sinh mệnh của mình trong tay mà mỗi người dân vẫn không có thì làm sao chúng ta đòi hỏi được đối xử thân thiện, trách nhiệm. Nếu chúng ta vẫn cứ hành xử thô bạo với cán bộ và nhân viên y tế thì làm sao mong nhận lại thái độ ân cần, yêu thương của họ được bởi đặc trưng công việc này ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ ra thì thái độ là vô cùng quan trọng. Nếu họ phải luôn sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ và tìm cách đối phó với người nhà bệnh nhân thì thật khó để mong họ có tâm trạng để làm tốt nhiệm vụ của mình.
Hãy thay đổi thái độ với cán bộ và nhân viên y tế của bệnh viện, đừng biến một nghề cao quý trở thành nghề nguy hiểm. Hãy tôn vinh những người đang làm việc trong lĩnh vực y tế bởi hơn ai hết họ xứng đáng được tôn vinh và trân trọng. Đừng để điều nhà văn Nam Cao nói trở thành hiện thực trong môi trường này “Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện…”.