Khi bị viêm họng, người bệnh thường có triệu chứng như đau rát họng, nuốt đau, khàn tiếng, ho khan hoặc ho có đờm… rất khó chịu. Dưới đây xin giới thiệu một số vị thuốc dân gian có tác dụng giảm đau và ho do viêm họng hiệu quả, giúp bệnh nhanh khỏi và hạn chế biến chứng.
Nước ép củ cải: Dùng củ cải tươi, rửa sạch, ép lấy nước, pha loãng nước ép củ cải với nước theo tỉ lệ 1:1 để làm nước súc ngậm họng hằng ngày có tác dụng giảm đau, khàn tiếng do viêm họng rất tốt.
Lá chua me đất: Lá chua me đất 50g, muối 2g. Rửa sạch lá, nhai với muối, ngậm rồi nuốt từ từ. Ngày làm 3-4 lần.
Lá bạc hà: Lá bạc hà 2 - 3 lá, rửa sạch rồi nhai dập, ngậm nuốt nước từ từ vài lần trong ngày.
Lá húng chanh: Lá húng chanh 30g, rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội, thêm vài hạt muối, nhai dập và nuốt nước dần. Ngoài ra, có thể lấy lá húng chanh tươi 20g, rửa sạch, thái nhỏ; đường phèn 20g. Cho hai thứ vào bát, chưng cách thủy, chắt lấy nước, uống từ từ. Bã ngậm trong miệng mút lấy nước. Mỗi ngày làm 1-2 lần. Dùng 3 - 5 ngày.
Đối với trẻ em khó uống thuốc có thể lấy vài lá húng chanh rửa sạch, giã nhỏ với một ít đường phèn hấp vào nồi cơm, cho trẻ ngậm uống 2 - 3 lần trong ngày.
Lá rẻ quạt: Dùng 1 lá rẻ quạt, muối 2g. Rửa sạch lá, nhai dập, ngậm với vài hạt muối, khi nào nóng họng thì nhả ra, ngày ngậm 1 - 2 lần, có thể nuốt nước.
Hoặc có thể dùng 1 lá rẻ quạt, gừng tươi 1 lát, cùng nhai ngậm, nuốt nước bỏ bã, ngày 4 - 5 lần. Lá rẻ quạt có tác dụng giảm đau, giảm do ho viêm họng rất tốt.
Cỏ lưỡi mèo: Lá cỏ lưỡi mèo tươi rửa sạch nhai ngậm với một ít muối, có tác dụng chữa họng sưng đau do viêm họng.
Hồng bì: Quả quất hồng bì 2-3 quả ngậm với vài hạt muối, làm 3 - 4 lần trong ngày sẽ giúp làm dịu họng, giảm đau rát và giảm ho do viêm họng.
Cũng có thể lấy 4 - 5 quả hồng bì tươi, hấp với một chút đường phèn cho trẻ ăn quả, ngậm nuốt nước ngày 3 lần sáng, trưa, tối có tác dụng kích thích hệ hô hấp, giúp long đờm, giảm ho ở trẻ.
Hoa đu đủ đực: Hoa đu đủ đực 15g, củ mạch môn, xạ can, lá húng chanh, mỗi vị 10g. Tất cả cho vào một bát nhỏ, thêm ít muối, hấp cơm rồi nghiền nát. Ngày ngậm 2 - 3 lần, nuốt nước dần.