Theo Giám đốc Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia Vinacomin, ông Lê Hồng Vĩ, xác định là đơn vị tiên phong thực hiện đánh giá kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG), đối với các nghề mỏ hầm lò là những nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, nằm trong danh mục bắt buộc phải đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động.
Việc sử dụng lao động không qua đánh giá kỹ năng nghề sẽ không xác định được người lao động có đủ trình độ về kiến thức, kỹ năng làm việc ở từng vị trí hay không mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao trong sản xuất. Tính đến 31.12.2019, đã có tổng số 35 đơn vị, trong đó có 8 đơn vị ngoài TKV đã đăng ký đánh giá cho tổng số 38.901 lao động thuộc 7 nghề (chiếm 76,8% số lao động được đánh giá cấp chứng chỉ KNNQG trong toàn quốc). Trong đó, các nghề mỏ hầm lò tổng số 35.394 lao động, chiếm 90,9%.
Hiện nay, Trường Cao đẳng TKV là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được Bộ LĐTBXH cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho 12 nghề gồm: Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò; Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò; Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò; Hàn; Điện công nghiệp; Công nghệ ôtô; Giám định khối lượng, chất lượng than; Sửa chữa thiết bị mỏ hầm lò; Vận hành thiết bị sàng tuyển; Nề hoàn thiện; Cốp pha giàn giáo; Điện tử công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTBXH Quảng Ninh, hàng năm thông qua việc chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra giám sát, Sở LĐTBXH tỉnh đánh giá cao Trường Cao đẳng TKV trong công tác đánh giá KNNQG. Nhà trường đã chủ động, tích cực cùng các doanh nghiệp triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. So với các trung tâm đánh giá KNNQG trên toàn quốc, thì Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia – Vinacomin I hoạt động tích cực và có số lượng đánh giá KNNQG cho người lao động đạt cao nhất, chiếm 2/3 tổng số lao động được đánh giá KNN trong toàn quốc từ khi thực hiện đến nay”.
Cũng theo ông Tuấn, chất lượng người lao động dự đánh giá KNNQG, có thể khẳng định người lao động được đào tạo và tốt nghiệp theo chương trình đào tạo Sơ cấp bậc III của TKV trở lên thì hầu hết đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, kết quả đánh giá đạt yêu cầu và đủ điều kiện được cấp chứng chỉ KNNQG để làm việc. Thông qua việc đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho người lao động, cho đến nay hầu hết các doanh nghiệp đã hiểu, chủ động đăng ký, phối hợp tổ chức và tạo điều kiện cho người lao động tham gia. Nhằm nâng cao chất lượng tham gia đánh giá kỹ năng nghề, một số doanh nghiệp chủ động bố trí bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động.