Ca sĩ Giang Trang: “Nhạc Trịnh an yên như một khu vườn Nhật”

Thủy Nguyên |

Lần thứ hai, “Hạ huyền 2” - album nhạc Trịnh được cho là thành công nhất của Giang Trang cùng êkip lại được mời xuất ngoại.

Nhưng là lần đầu tiên được cất lên vào cuối tháng 10 tới tại một ngôi nhà cổ ở “tiên cảnh” Munakata (Nhật Bản) - nơi có hòn đảo Okinoshima nổi tiếng, đã được vinh danh là di sản thế giới và sẽ ngừng đón tiếp du khách từ năm 2018. 

Gặp Kawabata trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

Trong những album nhạc Trịnh từng thực hiện, vì sao chị lại chọn “Hạ huyền 2” để mang tới Nhật mà không phải “Lênh đênh nhớ phố”, “Nguyệt hạ” hay “Hạ huyền 1”...?

- Ngay từ khi sáng tạo ra “Hạ huyền 2” (2015), tôi và nhạc sĩ Thanh Phương đã mường tượng và ao ước có một ngày sẽ được chơi tại Nhật Bản, nơi âm nhạc Trịnh Công Sơn vô cùng được yêu mến, cũng là đất nước mà nhạc sĩ từng có nhiều gắn bó; trong một không gian đậm chất “thiền”, hòa ái, tĩnh tại, gần gũi với thiên nhiên - đúng như tinh thần của nhạc Trịnh.

Nhạc cụ chủ đạo trong “Hạ huyền 2” là cây đàn tranh (hợp tấu cùng guitar, piano, sáo...) cũng có nhiều nét tương đồng thú vị với cây đàn Koto của Nhật Bản.

Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng rất yêu thích cây đàn tranh, tới nỗi theo như người nhà ông cho biết (kèm băng tư liệu) thì trong một đêm khuya thanh vắng, ông đã từng ngẫu hứng chơi piano theo thể thức của đàn tranh, tạo ra những âm thanh tựa như tiếng đàn tranh...

Và đúng là “cầu được ước thấy”, vào tối 30.10 tới, “Hạ huyền 2” sẽ được cất lên tại một ngôi nhà cổ ở Munakata thuộc tỉnh Fukuoka - một trong những địa danh được ví là tiên cảnh của Nhật Bản. Phải là “Hạ huyền”, vì nếu như “Lênh đênh nhớ phố” là bước thử nghiệm đầu tiên, “Nguyệt hạ” mang hơi hướng cổ điển... thì “Hạ huyền” hoàn toàn khác, nó trước hết là một cuộc đối thoại bằng những nhạc cụ đặc thù cho phương Tây và phương Đông; âm nhạc của “Hạ huyền” không bị giới hạn bởi không gian - thời gian; hay nếu có chăng thì là vẻ đẹp như có như không của mùa thu lá bay, những nét vẽ bâng quơ như ta từng bắt gặp ở văn chương Kawabata...

Theo chị, vì sao nhạc Trịnh lại được người Nhật đón nhận?

- Sâu sắc và giản dị bao giờ cũng là cách để chúng ta đi đến được với nhiều người, chạm vào sâu và ở lại lâu trong họ. Vẻ đẹp đáng kể nhất của nhạc Trịnh, theo tôi chính là sự tối giản và tinh thần Trung đạo, rất gần gũi và dễ đạt tới sự tâm giao với văn hóa Nhật, con người Nhật.

Sự tối giản trong âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng cho phép người chơi có thể phá vỡ được ranh giới khác biệt về ngôn ngữ, cũng như giữa các nhạc cụ hiện đại và truyền thống, phương Đông và phương Tây...

Trong một chừng mực nào đó, nhạc Trịnh phần nào nhắc nhớ tới văn chương Kawabata, nhưng nếu như văn Kawabata đẹp và buồn thì nhạc Trịnh lại thiên về đẹp và lặng, không buồn không vui. Hay nói cách khác, nó luôn “dừng hình” tại một điểm lưng chừng nào đó giữa vui và buồn, bóng tối và ánh sáng, gần và xa, mất và được...

Đành rằng có những sự tương đồng và gần gũi, nhưng đặt nhạc Trịnh vào không gian Nhật cũng là cả một nghệ thuật. Làm thế nào để “đưa sen ra khỏi đầm” mà bông sen vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp nguyên sơ của nó, theo chị?

- “Hạ huyền 2” tự nó đã là là một không gian mở, có thể phù hợp để trình diễn tại một nhà hát aucostic tới một không gian bán lộ thiên kiểu nhà vườn... và điều kiện duy nhất mà nó yêu cầu là phải yên tĩnh. Ngôi nhà cổ tại hòn đảo di sản của Nhật, nơi sẽ ngừng tiếp đón du khách kể từ năm 2018, tôi nghĩ sẽ là một không gian vô cùng phù hợp.

“Biết đâu có ngày tôi sẽ làm mới nhạc Trịnh bằng... Rock hay Hip hop?”

Được coi như một sản phẩm du lịch trong khuôn khổ hành trình 7 ngày 6 đêm tại Nhật Bản, vai trò của chị ở đây sẽ không chỉ là một người hát mà còn như một... “hướng dẫn viên du lịch”. Chị có nghĩ mình “vừa vai” không?

- Như bất cứ một độc giả Việt nào yêu văn chương Nhật, khi được đọc những tác phẩm mang đậm hồn cốt Nhật của đại văn hào Yasunari Kawabata như “Tiếng rền của núi”, “Ngàn cánh hạc”..., tự bao giờ, vẻ đẹp ấy đã thấm đẫm vào tôi trước cả khi tôi được đặt chân đến đó.

Trước khi chuyển hướng sang ca hát, tôi cũng đã từng có một quãng thời gian 7 năm làm việc cho ngân hàng lớn số 1 của Nhật. Cơ duyên và cú hích đầu tiên đưa tôi đến với nhạc Trịnh cũng là từ người Nhật, khi tôi được xem một diva người Mỹ gốc Hàn cùng dàn nhạc giao hưởng của Nhật trình diễn hai ca khúc “Biển nhớ” và “Diễm xưa”, được một nhạc sĩ người Nhật phối khí, trên sân khấu Nhà hát Lớn.

Ấn tượng đó mạnh đến nỗi khiến một con bé vốn trước đó chỉ chuyên nghe nhạc Tây bỗng phải lòng nhạc Trịnh tới mức độ bị hút hồn và đóng chặt đinh vào đó. Tôi thực sự không thể nghĩ người ta lại có thể làm gì mới với một thứ âm nhạc vốn từ lâu đã đóng đinh trong lòng người nghe theo một cách giản dị mà táo bạo như thế...

Chị hiếm hoi là một trong những người dám làm mới nhạc Trịnh mà may mắn không bị “ném đá”. Cách của chị?

- Thật ra, đã là âm nhạc nói riêng hay nghệ thuật nói chung thì không thể có khái niệm an toàn khi làm mới. Biết đâu có ngày, tôi và những người bạn của mình lại sẽ làm mới nhạc Trịnh bằng... Rock hay Hip hop thì sao?

Không sao cả, miễn là luôn ý thức được rằng: Điều quan trọng là đến với nhạc Trịnh, người ta sẽ không chỉ nghe nhạc mà còn để gặp người, một người có vẻ ngoài hư hao nhưng lại rất giàu nội lực, cả về tài năng lẫn tâm thế sống. Để nói được từ “Thôi kệ” thì dễ, nhưng để làm được, như ông thì nhất thiết phải là một người sống hay. Sở dĩ Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông “được lòng” công chúng hẳn là vì những ca khúc của ông luôn “mang vác” một tinh thần sống đẹp.

Tôi dùng từ “mang vác” vì một khi con người ấy đã chọn sống đẹp cả trong nghệ thuật lẫn trong đời sống, thì đó là cả một gánh nặng không dễ gì cất lên vai và lại còn giữ được nhịp đi nhẹ nhàng thư thái như thế.

Để len được vào tâm trí của những người yêu nhạc Trịnh do đó cần phải biết “tả” Trịnh Công Sơn, bóng dáng tinh thần của Trịnh Công Sơn như chúng ta vẫn hằng tưởng tượng và yêu mến. Tôi từng nghe kể rằng, một fan mộ điệu của ông sau khi nghe ông hát đã tạc chân dung ông như là một vị thiền sư.

Với tôi, nhạc Trịnh đẹp và an yên như một khu vườn Nhật. Vì thế mà khi hát nhạc Trịnh, thay vì cố tô vẽ cá tính của mình, tôi thường chọn cách đứng sau và cố gắng mô tả chân dung nhạc sĩ như là một vị thiền sư và bước đi trong âm nhạc của ông như cách ta dạo chơi trong một khu vườn Nhật...

Vậy cách nào để chị “phân thân” giữa công việc kinh doanh dễ thường khiến người ta “ong thủ” và sự tĩnh tại cần có khi hát nhạc Trịnh?

- Một phần nhờ tạng tính, nhưng phần nhiều hẳn cũng là nhờ học được ở nhạc Trịnh hai chữ “vô thường”. “Vô thường”, đủ để biết sống thuận theo tự nhiên, ngày hôm nay thế này, biết đâu mai này sẽ khác, để mà không nên quá quan trọng hay quá sốt sắng trước bất cứ điều gì...

Xin cảm ơn chị!

Thủy Nguyên
TIN LIÊN QUAN

Danh tính nạn nhân trong cabin xe tải dưới cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Cơ quan Công an đã xác định được danh tính nạn nhân được phát hiện trong cabin xe tải gần khu vực cầu Phong Châu bị sập.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

CLB Thanh Hóa đánh bại Công an Hà Nội tại vòng 2 V.League

HOÀNG HUÊ - MINH DÂN |

Câu lạc bộ Thanh Hóa giành chiến thắng 1-0 trước đội Công an Hà Nội ở vòng 2, qua đó giành 3 điểm đầu tiên ở LPBank V.League 2024-2025.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Thông xe cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau 8 ngày sạt lở

Đinh Đại |

Sự cố về sạt lở đã khiến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC18) không thể hoạt động và mất nhiều ngày để khắc phục.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.

Đánh người đấu giá đất ngay trụ sở UBND thị trấn ở Bình Định

Hoài Phương |

Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đang vào cuộc làm rõ vụ đánh người tham gia đấu giá đất xảy ra tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.

Quảng Nam sẽ xây nhà mới cho cả làng bị họa sạt lở đe dọa

Hoàng Bin |

Quảng Nam sẽ bố trí tái định cư trước Tết cho cả ngôi làng phải di dời khẩn cấp do vết nứt lớn trên đồi cao đe dọa.