Khoảng 5 năm trở lại đây, trừ một số phim, còn lại đa phần phim truyền hình Việt không thực sự tạo được những hiệu ứng mạnh mẽ, bởi chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía: Các gameshow chiếm lĩnh hầu hết sóng “giờ vàng” trong ngày, sự hấp dẫn của các dòng phim ngoại nhập Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines…
Chưa kể nhiều loại hình nghệ thuật khác đã thu hút phần đông giới khán giả trẻ quay lưng với phim truyền hình Việt. Phim vẫn được sản xuất đều đều, để có thể đủ cho tỉ lệ 30-50% thời lượng phim Việt trên sóng nhưng không còn hấp dẫn như trước nữa.
Kém duyên
Năm 2017, cùng lúc VTV tung lên sóng 2 phim với hai đề tài khác biệt: Thế giới ngầm băng nhóm tội phạm trong “Người phán xử” và cuộc sống gia đình trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu ở “Sống chung với mẹ chồng” - hai phim gây sốt, chỉ số raiting trực tiếp cao ngất, lượt view trên mạng xã hội và các kênh truyền thông cực kỳ lớn. Nhưng rồi sức nóng đó cũng không duy trì được cho đến năm 2018, mà cứ nguội dần theo từng phim phát sóng, dù phim vẫn rất đa dạng, vẫn có phim mang yếu tố “ngoại”, phim remake, phim đầu tư “khủng”, chăm chút nhiều thời gian…
Dư âm cứ dần nhạt theo từng phim tiếp theo, từ “Tuổi thanh xuân 2”, “Giao mùa”, “Những người nhiều chuyện”, “Ngược chiều nước mắt”, và ngoại trừ một “Thương nhớ ở ai”… gây ấn tượng với một vài ẩn ý của đạo diễn Lưu Trọng Ninh bị che mờ bởi câu chuyện “áo yếm” tầm phào thì nửa đầu năm 2018, nhiều phim đã không được khán giả đón nhận hào hứng. Từ phim remake “Cả một đời ân oán”, phim có sự đầu tư công phu “Tình khúc Bạch Dương”, phim mang không gian mới “Nếu còn có ngày mai”, “Mộng phù hoa”… Thậm chí lúc đầu người xem còn bàn tán về các tình tiết phim nhưng chỉ sau chưa đến 10 tập thì bắt đầu thưa thớt và gần như không còn có sự chú ý cả trên mạng xã hội và truyền thông.
Điểm lại những phim này thấy rõ, có phim đã “ăn theo” đề tài cũ về quan hệ gia đình giữa các thế hệ hay mẹ chồng nàng dâu như trong “Giao mùa”, “Những người nhiều chuyện”, “Ngược chiều nước mắt” nhưng các chiêu trò tình tiết không còn hấp dẫn theo kiểu “sốc tâm lý” nên nhạt, không gây hiệu ứng cảm xúc với khán giả…
Phim remake “Cả một đời ân oán” đi theo môtíp cũ ân oán tình xưa tình mới mà các tình tiết xa lạ, rời rạc, không giống chút gì một câu chuyện ở xứ ta nên chỉ mấy tập đầu gây tò mò, về sau nhạt dần, so với phiên bản gốc của Đài Loan thì phim kém sắc, kém duyên.
Nhưng có lẽ... kém duyên nhất chính là phim “Tình khúc Bạch Dương”, nói về những du học sinh và lao động Việt ở Nga những năm 1980-1990, dù hình ảnh bóng bẩy hào nhoáng, những cuộc tình tay đôi, tay ba, tình cũ 20 năm, tình hiện tại, chuyện buôn bán “đánh quả” về Việt Nam thì phim bị chê từ chính những người đã từng du học, làm việc ở Nga thời kỳ đó.
“Nếu còn có ngày mai”, lấy bối cảnh nông thôn miền Tây những năm 1990, xoay quanh cuộc đời, 2 số phận của 2 chị em cùng cha khác mẹ, vẫn là môtíp đối xử khác biệt theo kiểu “Tấm Cám” nhàm chán.
“Mộng phù hoa”, đang phát sóng trên VTV gồm 32 tập lấy bối cảnh Sài Gòn những thập niên 1930-1940, xoay quanh số phận của kỹ nữ Ba Trang xinh đẹp, nhu mì nhưng lại bị dòng đời đưa đẩy vào chốn lầu xanh. Phim đã “quá tay” khi biến người đẹp huyền thoại một thời của Sài Gòn hoa lệ trở thành một búp bê không có khả năng tự vệ, cả 10 tập đầu của phim, để diễn tả cuộc đời ngang trái của cô Ba Trang chỉ là cảnh nhiều lần bị cưỡng bức và phải bán thân...
Đợi chờ một cú hích
Sau khi “Mộng phù hoa” chấm dứt, ngày 11.6 phim “Ngày ấy mình đã yêu” remake từ phim “Tình yêu tìm thấy” của Hàn Quốc lên sóng lại là phim theo môtíp “tình cũ không rủ cũng tới”, tranh đoạt tình mới.
Tiếp theo, VTV lại trình làng “Mỹ nhân Sài thành” kể về người đẹp Sài Gòn trong những năm 1950, dù tác giả có bỏ nhiều công sức nhưng phim không lên được, câu chuyện xưa cũ, không giàu kịch tính.
Trong danh mục phim đang ghi hình hoặc đang làm hậu kỳ, nếu chỉ nhìn vào tên phim thì thấy khá đa diện, đa dạng như “Giông bão”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Mùa cúc susi” hay sắp lên sóng như: “Quỳnh búp bê”, “Nợ giang hồ”, “Lửa ấm”, “Khi đầu gấu gặp lưu manh”...
Ngoài ra một số phim đang hoàn tất kịch bản để “khai máy” như Hãng phim TFS có hai phim “Ráng chiều ấm áp” và “Rừng thiêng”. Chưa kể hàng loạt phim sitcom đang hoạt động sôi nổi như: “Bố là tất cả”, “Biệt đội tất tần tật”, “Xin chào hạnh phúc”, “Những đứa con từ trên trời rơi xuống”, “La La school”, “Khi ba mẹ biết yêu”...
Thực tế cho thấy nhiều phim hay chỉ ở cái tên, ở việc tạo cảm giác náo nhiệt sôi động bề nổi nhưng cách kể lại nhạt, không đương đại, dù được đầu tư kỹ thuật khá mạnh tay. Câu trả lời vẫn nằm ở cái tài của đạo diễn - nhạc trưởng của bộ phim.