Những ngày qua, khán giả Hà Nội săn lùng vé xem "Đào, phở và piano" ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Dù website của trung tâm đã sập 2 ngày, lượng vé đặt qua ứng dụng NCC đã được bán hết.
Trao đổi với Lao Động, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cho rằng, việc "Đào, phở và piano" hấp dẫn khán giả trẻ là một tín hiệu đáng mừng.
"Có lẽ phim đơn giản chỉ là một món ăn lạ, chỉ chiếu ở một nơi, số lượng rất giới hạn nên khơi gợi sự tò mò, quan tâm của khán giả. Tôi nghĩ cũng có yếu tố may mắn khi một Tik Toker nói về bộ phim và bất ngờ video đó lên xu hướng, được lan tỏa, lôi kéo mọi người ra rạp", nhà phê bình nhận định.
Ông Nguyễn Phong Việt nhấn mạnh, nếu “Đào, phở và piano” có kế hoạch bài bản, sẽ không nhà sản xuất nào chỉ phát hành ở một rạp nhỏ như vậy, ở thời điểm này, khi phải cạnh tranh với rất nhiều phim tư nhân. Việc khán giả dồn sự chú ý vào tác phẩm này chỉ là một hiện tượng nhất thời.
Trước đó, chia sẻ với Lao Động, ông Vũ Đức Tùng - quyền giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia - cũng gọi đây là một hiện tượng chưa từng xảy ra.
"Đào, phở và piano" là bộ phim do Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đặt hàng, Công ty Cổ phần Phim truyện 1 sản xuất, được sắp xếp ra rạp từ mùng 1 Tết Giáp Thìn.
Dù vậy, phim không có fanpage, không có trailer chính thức, không truyền thông rộng rãi và quảng bá.
Nhiều năm qua, các bộ phim nhà nước đặt hàng thường chịu chung số phận được sản xuất, chiếu trong quy mô hẹp rồi "cất kho", chưa có đầu ra bài bản.
Trước đó, phim chiếu 2-3 suất mỗi ngày. Sau 1 video trên Tik Tok, số lượng khán giả tìm xem phim bỗng tăng vọt. Từ ngày 19.2, phim tăng lên có 15 suất chiếu/ngày nhưng toàn bộ vé đã bán hết, chỉ còn một số vị trí sát màn hoặc rìa ngoài cùng.
So với "Mai" chiếu 40-50 suất/ngày ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia, "Đào, phở và piano" lép vế hơn hẳn. Bởi lẽ, số lượng suất chiếu phụ thuộc vào nhu cầu khán giả. Tỉ lệ lấp đầy rạp của phim nào cao, phim đó sẽ có nhiều suất chiếu để phục vụ khán giả. Những phim chỉ chiếu vài suất hàng ngày nhưng ế ẩm, sẽ rất khó để đơn vị phát hành sắp xếp chiếu thêm.
"Phim nhà nước vẫn có khoảng cách nhất định với phim tư nhân khi ra rạp. Vì vậy, ta sẽ không thể mong chờ “Đào, phở và piano” có doanh thu cao vì hiện tại phim không được chiếu rộng rãi", nhà phê bình Nguyễn Phong Việt nhận xét.
Ra đời nhằm mục đích phục vụ các nhiệm vụ chính trị, chỉ chiếu tại một địa điểm hoặc tại các tuần phim, những bộ phim nhà nước đặt hàng chưa bao giờ đặt mục tiêu về doanh thu, từ đó khâu quảng bá, truyền thông còn hạn chế, khó tiếp cận khán giả.
Liên tục trong nhiều thập kỷ, những dự án phim lịch sử, chiến tranh được nhà nước đầu tư hàng triệu USD luôn rơi vào tình trạng thua lỗ, khó bán vé. Giới chuyên gia nhận định, đây là một sự lãng phí.