Sự thành công của một số bộ phim "remake" đã tạo thành bước đệm giúp khái niệm phim "remake” được khán giả quan tâm rộng rãi. Kể từ đó, cuộc độ bổ rầm rộ của những bộ phim "remake" nở rộ trên địa hạt phim truyền hình Việt Nam.
Bên cạnh sự bùng nổ của nhiều bộ phim như Thương ngày nắng về, Người phán xử, Hương vị tình thân, Cả một đời ân oán, Gạo nếp gạo tẻ... gây ấn tượng và thu về rating rất cao, nhưng cũng có nhiều tác phẩm bị quay lưng và không đạt được các con số như kỳ vọng.
Vì sao một số phim remake không vượt qua được bản gốc?
Xây dựng nội dung, nhân vật không phù hợp
Từ một bộ phim gốc, khi làm lại phiên bản mới, đòi hỏi người thực hiện phải xử lý khéo léo và tinh tế sao cho phù hợp với bối cảnh để tránh sự lạc quẻ, thiếu liên kết. Nhưng thực tế, có rất ít đạo diễn Việt làm được điều này.
Ở phần 2 của series “Gia đình là số 1”, đạo diễn và biên kịch giữ nguyên tính cách ngang ngược, hỗn láo của nhân vật Heri (Lam Chi). Điều này gây ra nhiều tranh cãi về mặt văn hoá gia đình và sự giáo dục con cái. Một đứa trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường lại ngang nhiên ứng xử thiếu chuẩn mực với người lớn, thậm chí còn bắt nạt bạn bè đồng trang lứa.
Việc xây dựng tính cách nhân vật này đi ngược lại với những chuẩn mực của văn hoá Việt Nam như kính trọng người già, tôn trọng cha mẹ, ôn hoà với bạn bè, lễ phép với thầy cô giáo… Do đó, rất đông khán giả chọn cách “quay lưng” với “Gia đình là số 1” phần 2 vì nội dung không phù hợp.
“Vua bánh mì” bản Việt cũng gây tranh cãi không kém với chi tiết nhân vật nữ chính hoá “tiểu tam”, phá hoạt gia đình người khác nhưng lại được tẩy trắng thành công. Bà Dung (Nhật Kim Anh đảm nhiệm) có con chung với người đã có gia đình nhưng lại được miêu tả như một người thanh cao, sống biết đạo lý. Chi tiết này giữ nguyên so với bản gốc nhưng được cho là không phù hợp khi quá đề cao “người thứ ba”.
Thực lực của dàn diễn viên
Việc lựa chọn diễn viên không phù hợp, non kinh nghiệm cùng việc cải biên lời thoại thiếu thực tế cũng là những yếu tố khiến phim "remake" không được công chúng đón nhận.
Trong đó có thể kể đến “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt do Khả Ngân và Song Luân đóng chính. Các nhân vật chính dù đáp ứng về mặt nhan sắc, song không thể hiện được thần thái của bản gốc. Cách diễn gượng gạo, thiếu cảm xúc của Khả Ngân là một trong những điểm trừ lớn của tác phẩm này.
Bộ phim “Mối tình đầu của tôi” được làm lại từ bản gốc “She was pretty” của Hàn Quốc cũng chịu chung số phận. Sự góp mặt của dàn diễn viên trẻ gồm Ninh Dương Lan Ngọc, Chi Pu, Bình An và B Trần không đủ để cứu phim. Diễn xuất của nữ chính là Ninh Dương Lan Ngọc bị đánh giá quá lố, làm quá so với bản gốc.
Bên cạnh đó, “Ngày ấy mình đã yêu” được làm lại giữ nguyên kịch bản so với phiên bản đầu tiên “Discovery of love” cũng gây ra nhiều tranh cãi. Nhã Phương và Nhan Phúc Vinh bị chê với những cảnh khóc đơ, lời thoại như trả bài và không có “phản ứng hoá học” lúc xuất hiện bên cạnh nhau.