Đề thi thiếu phân hóa, phù hợp mục tiêu xét tốt nghiệp
Những ngày qua, dư luận chú ý đến câu chuyện của thí sinh Ngô Minh Hiếu, vì thiếu 0,25 điểm mà không thể đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội, dù em đạt 28,15 điểm/3 môn. Chuyện của Hiếu cũng đại diện cho hàng nghìn thí sinh khác trên cả nước, dù đạt điểm rất cao, trên 27 điểm - nhưng không thể đỗ vào nguyện vọng mình mong muốn vì điểm chuẩn đại học năm nay tăng cao, đặc biệt là các trường “hot”, ngành “hot”.
Có thể dẫn chứng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có ngành Hàn Quốc học lấy đến 30 điểm/3 môn khối C00. Ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng lấy tới 29 điểm. Đây là số điểm “trong mơ” của nhiều thí sinh thi các khối ngành Xã hội. Bên cạnh đó, khoa Báo chí của nhiều trường cũng lấy mức điểm chuẩn trên 28 điểm, nghĩa là phải hơn 9 điểm một môn thí sinh mới có thể đỗ.
Việc này cũng đồng nghĩa, 9 điểm/môn vẫn có nguy cơ trượt đại học. Liệu điều này có phải bất thường trong mùa tuyển sinh năm nay? Điểm chuẩn tăng cao có phải vì học sinh năm nay giỏi hơn, hay đề thi dễ hơn?
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội - cho rằng, điểm chuẩn nâng cao ở top trên không chỉ vì đề thi được đánh giá là dễ, mà còn vì các trường năm nay được tự chủ tuyển sinh nên đã triển khai rất nhiều và đa dạng các phương thức xét tuyển khác nhau.
Như trường Đại học Bách Khoa, ngoài xét hồ sơ tài năng với học sinh đoạt các giải thưởng trong cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, trường còn tổ chức một kỳ thi riêng. Tương tự, năm 2020, thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh, các trường đại học cũng xét tuyển bằng nhiều phương thức chứ không chỉ dựa vào điểm thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT như những năm trước.
Khi đa dạng hóa hình thức tuyển sinh, thì tất yếu chỉ tiêu dành cho thí sinh chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm đi. Việc này dẫn đến tỉ lệ cạnh tranh của những thí sinh sử dụng điểm thi để xét tuyển vào đại học sẽ cao hơn và đương nhiên điểm chuẩn sẽ tăng cao.
GS-TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - dẫn câu chuyện thực tế tại trường mình. Dù ngành Hàn Quốc học mới tuyển sinh năm đầu tiên, nhưng điểm chuẩn cao nhất toàn trường và trên cả nước. Có điều này là do chỉ tiêu ngành Hàn Quốc học là 50, nhưng trường đã dành chỉ tiêu để tuyển thẳng được 30 sinh viên và chỉ còn 20 chỉ tiêu để xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, hàng nghìn thí sinh được mức điểm 28,5 đến 29 đăng ký vào ngành. Để không tuyển vượt chỉ tiêu, trường phải đưa ra mức điểm 30 (cả điểm ưu tiên)
Còn theo PGS-TS Phạm Minh Sơn - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền - điểm chuẩn năm nay tăng cao có nhiều lý do. Trong đó có việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra muộn hơn mọi năm, thí sinh có thời gian chuẩn bị tốt về kiến thức. Tiếp đó, đề thi năm nay được ra theo hướng phục vụ mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT để nâng cao quyền tự chủ của các trường đại học. Độ phân hóa của đề giảm, để vừa sức với đông đảo thí sinh.
Kế đến, do việc điều chỉnh cách thức tuyển sinh của các trường đại học, tăng thêm chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp, giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tất cả những yếu tố này đã tác động đến điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay, khiến cuộc cạnh tranh suất vào đại học của những thí sinh chỉ sử dụng điểm thi để xét tuyển đại học sẽ căng thẳng hơn.
Đổi mới, đa dạng phương thức tuyển sinh để chọn người tài
Sau 5 năm tổ chức kỳ thi “2 trong 1”, với mục tiêu vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh đại học, từ năm 2020, kỳ thi THPT chỉ còn phục vụ mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Thay đổi này là tất yếu, phù hợp với yêu cầu đổi mới và xu hướng thế giới.
Thay đổi này trong tuyển sinh cũng kéo theo sự thay đổi trong suy nghĩ của học sinh và phụ huynh. Đã qua rồi cái thời dồn mọi tâm sức cho kỳ thi THPT để có cơ hội đỗ đại học. Bởi hiện nay có nhiều con đường vào được trường mà mình mong muốn, không nhất thiết chỉ bằng điểm số của kỳ thi quốc gia.
Theo PGS-TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - thay vì chỉ xét điểm số, hiện nhiều trường đã và đang sáng tạo trong việc tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho tuyển sinh truyền thống. Chẳng hạn như bài thi đánh giá năng lực bản thân, bài kiểm tra tư duy, tuyển sinh bằng bài thi SAT, hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Kỳ thi THPT là một cơ hội tốt để các trường tìm kiếm sinh viên tiềm năng, tuy nhiên PGS Nguyễn Phong Điền cho rằng các trường cũng nên tính đến những phương thức xét tuyển mới. Bởi kỳ thi này phục vụ mục tiêu là xét tốt nghiệp, trong khi mục tiêu của trường đại học là tìm kiếm người học phù hợp với ngành nghề mình đào tạo. Hai mục tiêu khác nhau, nên việc đa dạng hóa, đổi mới trong phương thức tuyển sinh là yêu cầu tất yếu của các trường đại học.
Còn theo bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), có nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm chuẩn trúng tuyển vào một ngành cao hoặc rất cao. Trong đó, có nguyên nhân chỉ tiêu xét tuyển ngành học ít hoặc rất ít, trong khi thí sinh có nguyện vọng đăng ký đông. Hơn nữa, các chỉ tiêu đã dành một phần cho xét tuyển bằng các phương thức khác không dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đề thi năm nay có yêu cầu thấp hơn năm 2019, nên điểm mặt bằng chung của thí sinh cao hơn.
Theo bà Thủy, quy chế tuyển sinh hiện hành cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào các trường, các ngành, nên cơ hội đỗ đại học của thí sinh cao hơn. Quy định hiện nay cũng cho phép các trường đại học tự chủ trong tuyển sinh, không nhất thiết dựa vào kết quả của kỳ thi THPT để xét tuyển. Các trường nên phát huy quyền tự chủ này, để đổi mới trong phương thức tuyển sinh, với mục tiêu lựa chọn được những thí sinh tài năng, phù hợp với chiến lược đào tạo của nhà trường.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc: Kết quả thi THPT không phải là phương thức duy nhất để tuyển sinh ĐH
Theo thống kê của Bộ GDĐT, trong 3 năm gần đây, kết quả tuyển sinh của toàn hệ thống có xu hướng giảm dần tỉ trọng trúng tuyển từ sử dụng kết quả kỳ thi THPT, tăng dần tỉ trọng trúng tuyển từ học bạ và các phương thức khác.
Cụ thể, số thí sinh trúng tuyển thông qua sử dụng kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 chiếm 81,5%; năm 2018 chiếm 73,6%; năm 2019 là 62,4% trong tổng số thí sinh trúng tuyển. Trường đại học xét tuyển bằng các phương thức khác (từ thi đánh giá năng lực, thi năng khiếu, văn hóa, sử dụng chứng chỉ quốc tế…) khoảng 10%. Con số này cho thấy kết quả tuyển sinh đại học ngày càng có xu hướng giảm dần sự phụ thuộc vào sử dụng kết quả thi THPT, tỉ lệ tuyển sinh từ các phương thức khác ngày càng tăng lên.
Xu hướng thay đổi này cũng thể hiện rõ trong các đề án tuyển sinh riêng của các trường đại đại. Điều này cũng đúng với tinh thần tự chủ của Luật Giáo dục đại học, phù hợp với lộ trình đổi mới GDĐH, đẩy mạnh tự chủ đại học trong thời gian qua.
Quá trình này cũng phù hợp với xu thế tuyển sinh đại học trên thế giới, trong đó việc tuyển sinh được tổ chức nhiều kỳ trong năm, sử dụng kết hợp nhiều phương thức xét tuyển, sử dụng cả kết quả học tập THPT (điểm GPA), điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm các kỳ thi chuẩn hóa để tuyển sinh đại học (SAT, ACT…). Do đó, sử dụng kết quả thi THPT không phải là phương thức duy nhất để tuyển sinh đại học. Các trường tự chủ tuyển sinh, lựa chọn các phương thức phù hợp nhất cho mình để chọn được những thí sinh đáp ứng tốt nhất yêu cầu đào tạo của nhà trường. Bích Hà (ghi)
161 trường tuyển đủ, 83 trường chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu
Thông tin từ Bộ GDĐT, kết thúc đợt 1 xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020, có 161 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu. 83 trường có tỉ lệ trúng tuyển dưới 50% . Tuy nhiên, đây mới là số liệu sơ bộ ban đầu về kết quả trúng tuyển của thí sinh, các trường còn tiếp tục theo dõi về tình hình nhập học chính thức của thí sinh.
Nếu tính từ mức thí sinh đăng ký và trúng tuyển đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì đã có 205 đơn vị đạt, chiếm 66,55% số đơn vị tuyển sinh. Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) nhận định: Số liệu này phản ánh công tác tuyển sinh 2020 đã đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả… giảm được áp lực cho các đợt tuyển sinh bổ sung.
Kết quả tuyển sinh đến thời điểm hiện tại bảo đảm các tiêu chí chất lượng, trật tự, an toàn, hiệu quả.
Sau khi có kết quả xét tuyển đợt 1, sẽ có 83 trường có tỉ lệ trúng tuyển dưới 50% tổ chức xét tuyển bổ sung từ 15.10 đến hết năm 2020, sau đó báo cáo về Bộ GDĐT trước ngày 28.2.2021. Đây chủ yếu là các trường ngoài công lập, các trường thuộc tỉnh, các trường ở vùng sâu, vùng xa, các trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục mầm non, chiếm 26,95% các trường, với 34.145 chỉ tiêu (chiếm 10,60% tổng chỉ tiêu). Bích Hà