“Ngổn ngang trăm mối”
Bộ GD&ĐT mới công bố Dự thảo CTTT vào ngày 12.4.2017, gửi các Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng sư phạm; các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục và cá nhân, triển khai góp ý, hoàn tất trước 29.4. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều băn khoăn, lo lắng từ thực tiễn chuẩn bị triển khai CTTT.
Hiện nay, thời điểm thực hiện đã cận kề, nhưng Bộ GD&ĐT vẫn chưa công bố chương trình cụ thể của các môn học. Tên gọi một số môn học nghe rất mới như “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo”, “Giáo dục kinh tế và pháp luật”, “Khoa học máy tính”, “Thiết kế và công nghệ”… không hiểu có gì giống - khác với các môn học truyền thống như Giáo dục công dân, Tin học, Công nghệ, Ngoại khóa?
Rồi môn “Cuộc sống quanh ta” với môn “Tìm hiểu xã hội”, “Tìm hiểu tự nhiên”; hay môn “Tìm hiểu công nghệ” với “Thế giới công nghệ”, “Tìm hiểu tin học”… có trùng lặp, chồng chéo nội dung?
Chương trình giáo dục địa phương do các địa phương biên soạn, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, liệu tiến độ biên soạn có kịp? Và chất lượng có đáp ứng yêu cầu?
Về kinh phí thực hiện chương trình, nhiều cán bộ quản lý giáo dục cơ sở lo lắng không biết sẽ được quy định, phân bổ như thế nào để đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ, mục tiêu triển khai chương trình giáo dục mới.
Điều lo lắng nhất, là về phía đội ngũ GV. Nếu áp dụng chương trình mới, với cơ cấu mới, môn học mới và sự lựa chọn môn học của HS, thì đội ngũ GV hiện tại thừa, thiếu ra sao, và được cân đối, giải quyết như thế nào?
“Đáng lo nhất là chất lượng đội ngũ. Để thực hiện chương trình mới đòi hỏi khâu đào tạo, tập huấn GV phải bài bản, chất lượng; trong khi đội ngũ hiện tại còn nhiều bất cập, và thời gian đã quá gấp. Trong khi, việc đào tạo, tập huấn từ trước đến nay chất lượng rất thấp”, một Hiệu trưởng THPT tại Hà Tĩnh chia sẻ.
Nếu đội ngũ GV không đáp ứng yêu cầu, thì chương trình giáo dục mới sẽ “vỡ trận” và hậu quả khôn lường.
Mới đây, ngày 30.5, làm việc với Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông của Bộ GDĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: "Đây là vấn đề liên quan đến nền giáo dục nước nhà, vì vậy, chúng ta làm khẩn trương nhưng phải chắc chắn. Trong trường hợp chưa thực sự yên tâm về chất lượng, điều kiện thực hiện thì Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị lùi thời điểm thực hiện".
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết trong trường hợp chưa thực sự yên tâm về chất lượng và điều kiện thực hiện, Bộ GDĐT sẽ báo cáo để Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội đề nghị điều chỉnh thời điểm bắt đầu áp dụng chương trình, SGK mới từ năm học 2019 - 2020 để có thêm thời gian chuẩn bị.
3 điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Thứ nhất, về phương pháp xây dựng chương trình, áp dụng các phương pháp “Sơ đồ ngược (Back – Mapping) và Đánh giá tác động của chính sách (Regulatory Impact Assessment, viết tắt là RIA).
Thứ hai, chương trình đã xác định 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh.
Thứ ba, chương trình có sự phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Chương trình mới thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT.
Ở cấp tiểu học và THCS, chương trình thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp. Ở cấp THPT, chương trình yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ.
Ở cấp THPT, dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp với các môn học phân hóa (môn Khoa học tự nhiên ở THCS tách thành các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý ở THCS tách thành các môn Lịch sử, Địa lý,…).
Ở các lớp 11, 12, ngoài một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo), học sinh chỉ cần chọn 3/12 môn còn lại phù hợp với định hướng nghề nghiệp.