Vì lương không đủ sống, nên cô giáo Hạnh tìm thêm nghề phụ tay trái, hàng ngày ngoài dồn hết tâm huyết trên bục giảng, cô Hạnh tranh thủ bán hàng online.
"Làm thêm công việc bán hàng online, mỗi tháng tôi kiếm thêm được khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, vừa phải đi dạy, vừa đi làm thêm, nên tôi không có nhiều thời gian cho gia đình. Ngày nào cũng sức cùng lực kiệt" - cô Hạnh chia sẻ.
Vì lẽ đó nên khi nghe chính sách cải cách tiền lương từ 1.7.2024 chính thức được thông qua, cô Hạnh không giấu nổi niềm vui mà chia sẻ: "Tăng lương là mong muốn bấy lâu nay của tôi và các đồng nghiệp. Tôi hy vọng, qua đợt cải cách tiền lương này, chúng tôi có thể yên tâm công tác, sống được bằng lương."
Được biết, trong đợt cải cách tiền lương từ 1.7.2024, phụ cấp thâm niên của nhà giáo sẽ được bãi bỏ, nên khoảng cách về tiền lương giữa các giáo viên trẻ và giáo viên “già” có sự thay đổi. Lương của đội ngũ nhà giáo trẻ sẽ tăng lên đáng kể.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề bỏ phụ cấp thâm niên, cô Hạnh cho biết: “Tôi thấy rằng, việc bỏ phụ cấp thâm niên là sự thay đổi tích cực. Bởi lẽ, những giáo viên trẻ như tôi và các giáo viên công tác lâu năm đều có cùng một khối lượng công việc, chịu áp lực như nhau. Việc giáo viên làm lâu năm được hưởng thâm niên và có lương cao hơn chúng tôi như trước đây là không phù hợp”.
Trái lại với những mong ngóng của cô Thu Hạnh, khi nghe đến thông tin bỏ phụ cấp thâm niên, nhiều thầy cô công tác lâu năm trong ngành giáo dục lại băn khoăn.
Cô Trần Thị Hiệp (giáo viên THPT tại TP Buôn Ma Thuột) đã gắn bó với nghề giáo 16 năm chia sẻ: “Chúng tôi, những người đã cống hiến cho ngành giáo dục hàng chục năm, phải chịu những tổn hại về sức khỏe rất lớn. Tôi thường mắc phải các bệnh về phổi, bị giãn thanh quản, giọng nói bị ảnh hưởng".
Chia sẻ với phóng viên, cô Hiệp cũng thẳng thắn cho biết: "Công bằng chỉ có khi mọi người thực sự bỏ công sức và hiệu quả công việc như nhau, nhưng thật khó để đánh giá chính xác điều này".
Cùng chung quan điểm với cô Hiệp, cô Từ Thị Hồng Hạnh (giáo viên trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, tỉnh Đăk Lăk), đã công tác được 21 năm trong ngành giáo dục cho biết, phụ cấp thâm niên là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá sự cống hiến của cá nhân các giáo viên đối với ngành giáo dục.
Cô Hồng Hạnh cũng chia sẻ những khó khăn của các thầy cô giáo công tác tại hệ thống các trường Dân tộc nội trú. Bên cạnh những thiếu thốn về cơ sở vật chất, các thầy cô còn phải “vừa dạy vừa nuôi học sinh”. Các thầy cô, ngoài việc giảng dạy trên lớp, vẫn luôn tận tình quan tâm, lo cho các em từng bữa ăn giấc ngủ.
Với những khó khăn như thế, cô Hạnh bày tỏ việc có thêm phụ cấp thâm niên giúp cho đội ngũ nhà giáo tại các trường Dân tộc nội trú trên cả nước yên tâm công tác.