Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng và quản lý viên chức, trong đó sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Với Nghị định này, chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức, thay vào đó sẽ xét thăng hạng. Viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện.
Theo đó, viên chức phải được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định.
Trước thông tin bỏ thi thăng hạng công chức, cô Nguyễn Thị Bích Thuỷ - giáo viên mầm non tại Hà Tĩnh - bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng, đây là điều giáo viên rất vui mừng.
"Bản thân tôi nhận thấy, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức là một sự đãi ngộ dành cho các giáo viên. Nhưng trên thực tế, việc thực hiện còn chưa đồng bộ giữa các địa phương, trong khi tỉnh này tổ chức xét, tỉnh khác lại phải thi. Điều này vô tình sẽ xảy ra sự bất công, không đồng bộ" - cô Thuỷ cho hay.
Cũng theo cô Thuỷ, việc bỏ thi thăng hạng viên chức cũng nhận được rất nhiều sự đồng tình của đại đa số giáo viên.
"Trong khi thi thăng hạng viên chức, giáo viên sẽ cần thêm quá trình ôn thi, mất một khoản chi phí, tốn kém khi tham gia, còn với xét thăng hạng sẽ đảm bảo tính khách quan, yêu cầu nhiều nội dung về năng lực chuyên môn, đánh giá cả một quá trình công tác của giáo viên. Đây cũng là lí do khiến nhiều giáo viên muốn bỏ thi thăng hạng viên chức " - cô Thuỷ chia sẻ.
Đồng quan điểm với cô Thuỷ, cô Nông Thị Hà - giáo viên tiểu học tại tỉnh Cao Bằng - đánh giá, hiện nay, viên chức tập trung chủ yếu ở ngành Giáo dục. Tuy nhiên, hiện tại lại không có một quy định nào về tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi thăng hạng viên chức.
"Việc xét thăng hạng không chỉ là quyền lợi của giáo viên khi đã đủ điều kiện các giấy tờ, chứng chỉ, bằng cấp... mà còn cho thấy sự minh bạch trong việc xét duyệt thăng hạng cho giáo viên. Tuy nhiên, vì chưa có quy định nào về tiêu chuẩn thi thăng hạng viên chức nên rất khó để tiến hành tổ chức thi" - cô Hà nói.
Cũng theo cô Hà, bản thân là giáo viên có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thi thăng hạng viên chức nhưng nếu áp dụng hình thức thi thăng hạng viên chức, cô Hà cảm thấy rất mệt mỏi và căng thẳng.
"Có những giáo viên xếp hàng dài chưa được thi, ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao trình độ, quyền lợi của họ. Có những giáo viên lớn tuổi, khả năng cập nhật công nghệ, tin học còn hạn chế. Rồi có những giáo viên bận bịu cả ngày, nếu dành thời gian chuẩn bị ôn tập cho một kì thi thăng hạng cũng không phải chuyện dễ dàng" - cô Hà thẳng thắn nói.
Ngoài ra, theo cô Hà, việc bỏ thi thăng hạng viên chức còn mang lại lợi ích cao cho xã hội.
"Sau khi có thông tin bỏ thi thăng hạng viên chức, có đồng nghiệp của tôi thở phào nhẹ nhõm vì họ cảm thấy tiết kiệm được công sức, thời gian, đặc biệt là tiết kiệm một phần lớn chi phí xã hội, bãi bỏ các thủ tục hành chính rườm rà" - cô Hà nhận xét.