Còn nhiều trăn trở
Theo nhiều giáo viên, việc phân bậc, xếp hạng giáo viên dựa trên một số tiêu chí về bằng cấp, chứng chỉ đã vô hình tạo nên cuộc đua văn bằng để hoàn thiện hồ sơ, để được tăng lương. Thậm chí, do thiếu thông tin và nghe theo những lời quảng cáo của trung tâm, nhiều giáo viên đã đua nhau đăng ký học chứng chỉ “cấp tốc” để kịp được bổ nhiệm, thăng hạng.
Cô Chu Thị Gái - giáo viên dạy bậc THCS ở Thanh Hóa - cho biết, trường cô công tác có duy nhất một thầy giáo đã học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp từ trước. Tuy nhiên, khi tiếp nhận thông tin là giáo viên đang hưởng hạng I, II trước đây, nếu không đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng I, II mới thì sẽ phải “xuống hạng” và lương sẽ giảm, nhiều thầy cô đã tham gia các lớp học online cấp tốc qua phần mềm Zoom để kịp có chứng chỉ xét thăng hạng.
"Từ thực tiễn đã trải nghiệm việc học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, tôi thấy nội dung học không thiết thực, không sát với thực tiễn đổi mới của ngành giáo dục. Hơn nữa, học chỉ mang tính hình thức, giáo viên đi học không trang bị thêm được kiến thức, chủ yếu chỉ cố để đủ điều kiện để giữ hạng II.
Lúc nào cũng lo sợ, thực hiện chính sách lương mới sẽ thiệt thòi tụt hạng chỉ vì cái giấy chứng chỉ đó. Vì vậy, giáo viên chúng tôi chỉ mong sớm có quyết định chính thức về việc cắt giảm chứng chỉ để yên tâm công tác" - cô Gái bày tỏ.
Nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc cấp chứng chỉ "thần tốc"
Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, thầy L.Đ.H - giáo viên dạy bậc THCS tại Thái Bình - cho biết, bản thân đã đào tạo rất nhiều thế hệ, học trò ra đời cũng không ít những em thành đạt, không ít em là cán bộ nhà nước. Lúc gặp lại nhau, lúc nào thầy trò cũng kể về các bài giảng của thầy. Đó là thắng lợi của người thầy mà không một chứng chỉ nào có thể thay thế được.
Theo thầy Hòa, giáo viên chỉ cần năng lực thật, trả lương theo năng lực thật, chứ không phải chạy theo những văn bằng, chứng chỉ không thực chất.
"Công chức, viên chức hiện nay trong hành trang làm nghề phải trang bị biết bao nhiêu là văn bằng, chứng chỉ. Đây cũng chính là áp lực trong các quy trình bổ nhiệm dẫn đến nảy sinh những tiêu cực trong việc cấp chứng chỉ "thần tốc"" - thầy Hòa nêu quan điểm.
Nên "gỡ rối" nhanh chóng để giáo viên chuyên tâm giảng dạy
Là giáo viên đã tham gia lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để kịp thăng hạng III lên hạng II, cô Nguyễn Thị Nga - giáo viên bậc THCS tại Hà Nội - cho rằng, nội dung chương trình bồi dưỡng còn nhiều lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm. Ngoài ra, nội dung bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp còn trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét chỉ dùng một loại chứng chỉ hành nghề cho giáo viên và áp dụng toàn quốc.
Theo đó, quy định chứng chỉ hành nghề có thời hạn để giáo viên có quy chuẩn rõ ràng, đồng thời kiểm tra định kỳ để cập nhật kiến thức, kỹ năng mới phù hợp với nhu cầu xã hội, không nên "bày" quá nhiều chứng chỉ để "hành" giáo viên" - cô Nga chia sẻ.
Còn theo cô M.T.A.N - giáo viên bậc THCS tại Hà Nội - cho rằng, giáo viên luôn phải hoàn thành các modun theo chương trình bồi dưỡng thường xuyên, từ chuyên đề đổi mới kiểm tra đánh giá đến chuyên đề bồi dưỡng chủ nhiệm, rồi tập huấn giảng dạy sách khoa mới,...
Vì vậy, có thể tích hợp các chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp vào các chương trình đào tạo giáo viên và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên.
"Tại thời điểm này, chương trình giảng dạy đang đổi mới rất nhiều. Vì vậy, chúng tôi mong muốn có những lớp học, lớp bồi dưỡng giúp ích cho giáo viên giảng dạy tốt chương trình đổi mới. Còn những chứng chỉ như chức danh nghề nghiệp càng cắt giảm càng tốt, để giáo viên có thể tập trung vào chuyên môn.
Việc yêu cầu giáo viên đi học để phục vụ cho bài giảng thì rất tốt, nhưng bắt giáo viên học hết chứng chỉ này đến chứng chỉ nọ không khác gì yêu cầu giáo viên dạy Toán đi học hát múa, giáo viên Văn đi trồng cây, điều đó không hợp lý" - cô N bày tỏ quan điểm.