Thủ tục vay vốn đơn giản
Trao đổi với Lao Động, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GDĐT cho biết, chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) được triển khai nhiều năm qua là một chính sách rất nhân văn, nhất là với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, góp phần đảm bảo cơ hội được học tập của mọi sinh viên.
Ông Linh cho biết cụ thể, chương trình tín dụng đối với HSSV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu tiên từ năm 2007 với mức vay 800.000 đồng/HSSV.
Mục tiêu của chương trình là sử dụng nguồn lực của Nhà nước để cung cấp tín dụng ưu đãi cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về kinh tế.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 điều chỉnh mức vay đối với HSSV từ mức 1,5 triệu đồng/tháng/HSSV lên mức 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV. Mức này có thể đáp ứng được 50% nhu cầu của HSSV.
Đây có thể nói là một bước điều chỉnh khá mạnh mức vay đối với HSSV trong 12 năm qua, mặc dù chưa thể đáp ứng được nhu cầu của HSSV và mức học phí hiện hành nhưng đã thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ nói riêng và các Bộ, ngành liên quan đối với chương trình này.
Đối tượng thụ hưởng chương trình hiện nay bao gồm:
- Đối tượng hộ nghèo;
- Đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo;
- Đối tượng HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh;
- Đối tượng là HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không còn khả năng lao động, Lao động nông thôn học nghề, Bộ đội xuất ngũ học nghề, Hộ dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Tất cả đối tượng nêu trên việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng khá đơn giản. Hằng năm, Bộ GDĐT đều có văn bản yêu cầu các cơ sở đào tạo tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách đến toàn bộ các HSSV, trên cơ sở đó tổng hợp nhu cầu và ký các giấy tờ xác nhận để HSSV được vay vốn.
Phụ huynh sẽ trực tiếp đứng ra làm thủ tục cho con em mình. Toàn bộ thủ tục vay vốn được Ngân hàng Chính sách phổ biến đến tận hộ gia đình và các thủ tục giải ngân rất thuận lợi cho HSSV.
Hỗ trợ thêm học bổng
Theo ông Linh, hiện nay, các trường đại học đã rất chủ động xây dựng các giải pháp hỗ trợ sinh viên; đặc biệt là các sinh viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, bên cạnh nguồn vốn vay tín dụng, các HSSV còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác của nhà nước như học bổng chính sách, hỗ trợ chi phí học tập, trợ cấp xã hội (mỗi sinh viên nghèo được hưởng 100.000 đồng/tháng nếu là dân tộc Kinh và 140.000 đồng/tháng nếu là người dân tộc thiểu số).
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các trường chủ động tìm kiếm nguồn học bổng từ các doanh nghiệp và quỹ hỗ trợ sinh viên. Trong các văn bản quy định hiện nay, các nhà trường chủ động thành lập Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo, sinh viên khó khăn. Sinh viên nghèo học giỏi còn được hưởng học bổng khuyến khích học tập với mức học bổng tối thiểu bằng mức học phí.
Vụ trưởng Bùi Văn Linh cũng nhấn mạnh việc sinh viên có thể tham gia hoạt động làm thêm, nếu làm các công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo hoặc dạy gia sư,… sẽ góp phần tăng thêm thu nhập, để trang trải thêm cuộc sống, học thêm kỹ năng sống, ngoại ngữ, tin học.