Từ năm học 2021-2022, nhiều trường đại học áp dụng mức thu học phí tăng mới, thậm chí gấp đôi hiện nay. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng bởi không phải gia đình nào cũng có thể đảm bảo được mức kinh tế để cho con theo học. Vì vậy, học phí là vấn đề được quan tâm bên cạnh chọn trường yêu thích.
Theo Vụ Tài chính – Kế hoạch (Bộ GDĐT), các cơ sở giáo dục phải công khai mức thu học phí theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28.12.2017 của Bộ GDĐT.
Đồng thời tại Điều 65 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học quy định: “Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”.
Thế nhưng, theo khảo sát của Lao Động, không phải đơn vị nào cũng chấp hành nghiêm quy định này. Trong thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 được đăng trên Cổng tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) không có thông tin liên quan tới học phí để phụ huynh và học sinh tham khảo.
Tương tự, theo thông tin về đề án tuyển sinh năm 2021 của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được đăng tải ngày 8.4 với nhiều điểm mới được nêu. Tuy nhiên, thông báo này không nhắc tới học phí.
Điều này cũng xảy ra khi xem thông tin tuyển sinh của nhiều trường như: Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM (UEF), Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU), Trường Đại học Hoa Sen (HSU)…
Hiện tượng khó tìm thông tin học phí diễn ra ở không ít trường, nhất là ở các trường ngoài công lập khi mà giá học phí thường ở mức rất cao.
Còn nhớ mùa tuyển sinh năm 2020, đã có thí sinh “ngã ngửa” khi nhập học rồi mới biết trường tăng học phí lên rất cao so với năm trước. Việc minh bạch học phí và lệ phí không chỉ vì quyền lợi của thí sinh, giúp thí sinh tính toán chọn trường phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình mà còn giúp thí sinh và nhà trường tránh được những rắc rối liên quan đến học phí.
Bộ GDĐT đã có các Công văn: số 1620/BGDĐT-KHTC ngày 11/5/2020, số 3281/BGDĐT-KHTC ngày 27.8.2020, số 4072/BGDĐT-KHTC ngày 9.10.2020 và Công văn số 1505/BGDĐT-KHTC ngày 16.4.2021 chỉ đạo các cơ sở giáo dục giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021 và tăng cường trách nhiệm giải trình trước người học về các mức thu.
Đồng thời, đề nghị các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi, lộ trình tăng học phí (nếu có) đảm bảo đúng định mức kinh tế-kỹ thuật tại Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT và các quy định hiện hành; xử lý kịp thời các vi phạm về quản lý học phí theo Nghị định 127/2018/NĐ-CP.
Hiện nay, Bộ GDĐT đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Dự thảo quy định các cơ sở giáo dục trước khi tuyển sinh hoặc xét tuyển phải công bố, công khai mức thu học phí, chi phí đào tạo cho từng năm học, cấp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, lộ trình tăng học phí (nếu có) cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học.
Cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học, cấp học, khóa học; công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định; công khai chính sách miễn, giảm học phí và mức thu, miễn giảm học phí trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch họa.