Theo đuổi đam mê, kiếm hàng chục triệu mỗi tháng
Nguyễn Quỳnh Anh - sinh viên năm cuối khoa Báo ảnh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền dù chưa ra trường nhưng vẫn luôn đảm bảo thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng hằng tháng.
Quỳnh Anh có đam mê với nhiếp ảnh nên quyết định thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hai năm đầu, nữ sinh chăm chỉ học tập và rèn luyện kỹ năng chụp ảnh. Đến năm ba, Quỳnh Anh bắt đầu nhận chụp ảnh cho các bạn sinh viên với giá rẻ, đồng thời, làm cộng tác viên cho các studio kỷ yếu.
“Với tính chất công việc của mình, thu nhập có thể thay đổi theo từng tháng. Chẳng hạn vào mùa kỷ yếu hay sự kiện thì mình có thể kiếm được nhiều hơn. Có tháng tổng thu nhập có thể lên đến 50 triệu nhưng có những tháng cũng chỉ vỏn vẹn 2-3 triệu đồng. Mục đích cuối cùng của mình là mình đang làm việc và phát triển cho ngành học và đam mê của mình” - nữ sinh bày tỏ.
Lê Đức Mạnh - sinh viên năm cuối khoa Phát thanh Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng lựa chọn cho mình công việc làm thêm đúng với chuyên ngành của mình.
Xác định theo đuổi đam mê với nghề báo, ngay từ năm nhất, Đức Mạnh đã thực tập cho các cơ quan báo chí. Sau gần 4 năm vừa học, vừa làm, nam sinh nhận xét, khó khăn nhất là phải cân bằng giữa việc học trên trường và công việc làm thêm.
"Em lựa chọn công việc đúng theo chuyên ngành mình theo học. Như vậy, vừa có thể kiếm thêm nhu nhập, vừa hỗ trợ tốt trong việc học.
Khi mới bắt đầu công việc, vì chưa có kinh nghiệm, kĩ năng nên em chấp nhận mức lương rất thấp. Qua thời gian học hỏi, rèn kinh nghiệm, thu nhập của em đã dần ổn. Có những tháng, tổng thu nhập của em lên đến gần 20 triệu đồng/tháng" - Mạnh chia sẻ.
Không giống Đức Mạnh hay Quỳnh Anh, Bùi Thu Trang, sinh viên lớp Kế toán, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội lại lựa chọn cho mình công việc làm thêm trái với ngành học.
"Hiện tại, em không làm đúng công việc chuyên ngành vì em chưa tìm được nơi phù hợp về mức lương, chế độ, môi trường. Những chỗ thu nhập cao thường đòi hỏi kinh nghiệm. Em cũng muốn làm thử các công việc khác để có thêm kỹ năng, kiến thức cho mình” - Thu Trang chia sẻ.
Sinh viên có nên chọn làm thêm trái ngành nghề?
Với 20 năm kinh nghiệm xây dựng và vận hành hệ thống Quản trị nhân sự, cô Hoàng Trâm - giảng viên HRC Academy khuyến khích sinh viên đi làm thêm nhưng cần xác định được định hướng của bản thân. Điều này sẽ giúp các em chọn lựa những công việc phụ vụ cho định hướng công việc sau này.
“Trải qua 4 năm đại học, điều kiện cần là các em sinh viên phải tốt nghiệp đại học, điều kiện đủ để có công việc tốt là các em phải trau dồi thêm nhiều kỹ năng.
Để tránh đi làm thêm 4 năm đại học nhưng sau khi ra trường, các em vẫn mông lung thì bản thân các em nên định hướng mục tiêu nghề nghiệp trong quá trình làm thêm, hiểu và biết đam mê của mình” - cô Hoàng Trâm chia sẻ.
Cô Trâm cũng nhấn mạnh, đối với sinh viên, tiền là vật ngoài thân nên cần lấy việc đi làm thêm để tích lũy thêm kinh nghiệm để tránh lãng phí thời gian của mình.
TS. Đoàn Văn Tình - Phó Trưởng Khoa Quản trị nguồn nhân lực, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng, sinh viên nên tìm kiếm các công việc làm thêm để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thực tế thay vì chỉ học trên giảng đường.
"Sinh viên hoàn toàn có thể làm thêm các công việc trái ngành dựa trên nhu cầu và năng lực cá nhân. Nhưng việc này chỉ nên diễn ra trong hai năm học đầu tiên để sinh viên có trải nghiệm đa dạng.
Từ năm ba đại học, các em nên tích cực học tập, trải nghiệm thực tế và làm thêm những công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo" - TS Đoàn Văn Tình chia sẻ.