Mấy ai không viết sai chính tả?
Từ Hải Dương lên Hà Nội làm nghề buôn bán, anh Đỗ Đình Hùng (46 tuổi) tự nhận mình là người ít học (học hết lớp 9) nên thấy chữ viết hiện nay khá rắc rối.
“Quả thực đến bây giờ nhiều lúc viết, tôi vẫn không thể phân biệt được khi nào viết là “d” hay “r”, “tr” hay “ch”. Rất khó nhớ, người dân quê tôi khi đọc hay nói cũng chẳng uốn lưỡi, hay nhấn mạnh gì. Vậy thì tại sao lại phải phân biêt “tr’ nặng hay nhẹ làm gì” - anh Hùng thắc mắc.
Khi nghe phóng viên nói rằng có một nhà khoa học đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt theo hướng giản tiện, người học sẽ không phải phân biệt những chữ cái như anh đang gặp khó khăn trong việc nhận biết, anh Hùng nói ngay rằng: “Ủng hộ cả hai tay”.
Có một thực tế, không chỉ người dân quê như anh Hùng gặp phải lỗi viết sai chính tả, mà nhiều người học đến đại học vẫn mắc, đôi khi phải “cầu cứu” tra từ điển. Trên sách, báo đôi khi vẫn gặp những lỗi viết sai “ch” với “tr”, hay “s” với “x”.
Xuất phát từ thực tế này, PGS-TS Hiền (người có hơn 40 năm làm công tác nghiên cứu, giảng dạy) đã đưa ra phương án cải tiến chữ viết. Trước ý tưởng này, bạn đọc có những ý kiến khác nhau.
Anh Đào Tuấn Giang (Hà Nội) chia sẻ đồng tình với ý tưởng của PGS Hiền: “Cớ sao phải viết “con nghé” mà không phải là “con ngé” như ý cải tiến của PGS Hiền? Cái mới luôn khó chấp nhận nên cần có sự phản biện, nhưng PGS Hiền đã bỏ công sức và trí tuệ để nghiên cứu, tìm tòi, cải tiến thì rất đáng được trân trọng”.
Chữ quốc ngữ đã là hồn túy của dân tộc, không nên thay đổi!
Dù vậy, có không ít ý kiến phản đối gay gắt ý tưởng của PGS-TS Bùi Hiền.
Độc giả Bích Nguyên bày tỏ quan điểm: “Về kinh tế, PGS Hiền bảo chữ mới của ông sẽ tiết kiệm được 8% chi phí in ấn, thời gian, công sức, vậy ông phải chỉ ra được trong 100 năm tới nếu áp dụng chữ viết mới, cái mà ông nói là sẽ tiết kiệm đó có lớn hơn giá trị đập đi xây lại, huỷ ấn phẩm cũ, rồi in lại với ngôn ngữ mới. Tiếp đó, mất tổng thời gian bao nhiêu để toàn bộ dân Việt Nam học lại ngôn ngữ và áp dụng được bao lâu, thời gian đấy nếu dành để lao động sản xuất thì giá trị là bao nhiêu? 8% tiết kiệm được liệu có đáng?”.
Khi được hỏi về ý tưởng cải tiến chữ viết của PGS Hiền, anh Nguyễn An Khánh (Thanh Trì, Hà Nội) bức xúc. Anh cho rằng: “Chữ quốc ngữ là hồn túy của dân tộc, đã được bao đời sử dụng. Nó đã trở thành bản sắc của dân tộc rồi, cần phải duy trì và phát triển. Đừng nghĩ đến việc cải tiến nó nữa, không thực tế đâu và sẽ gây xáo trộn lớn cho cả xã hội”.