Hàng loạt trường mở thêm ngành mới
Bà Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho biết, năm học 2024 - 2025, trường dự kiến mở thêm 7 ngành đào tạo mới, gồm: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ và Công nghệ tài chính.
"Đây đều là những ngành thuộc các lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, nhất là trong xu hướng phát triển mạnh của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo và kinh tế số như hiện nay, mang đến cơ hội và triển vọng cho các bạn trẻ yêu thích những lĩnh vực này", bà Nguyễn Thị Xuân Dung nói.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TPHCM thông tin, dự kiến mở thêm ngành mới Thiết kế vi mạch với 150 chỉ tiêu ở hai tổ hợp môn xét tuyển A00 (toán - lý - hóa) và A01 (toán - lý - tiếng Anh). Theo nhà trường, Thiết kế vi mạch sẽ là một lĩnh vực đầy triển vọng trong thời gian tới, bởi nhu cầu nhân lực ngành này luôn rất cao, mức thu nhập tốt.
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM sẽ có thêm hai ngành đào tạo mới là Kinh tế số và Kỹ thuật phần mềm.
Còn tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU), hồi tháng 11.2023, trường này đã chính thức tuyển sinh thêm 2 ngành ở khối ngành sức khỏe là Dinh dưỡng và Y tế công cộng.
"Y tế công cộng và Dinh dưỡng đều là những ngành học rất quan trọng, bắt kịp xu hướng thời đại trong việc nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật cho con người", lãnh đạo Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đánh giá.
Ưu tiên tuyển dụng lĩnh vực Kỹ thuật
Đại học Quốc Gia TPHCM vừa công bố đề án khảo sát về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước.
Đợt khảo sát được thực hiện từ tháng 8 - 11.2023 tại gần 2.000 đơn vị sử dụng lao động ở 4 tỉnh thành Đông Nam Bộ gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu
Kết quả khảo sát cho thấy, trong 3 năm 2020 - 2022, các đơn vị sử dụng lao động có xu hướng tuyển dụng nhân sự nhiều nhất ở lĩnh vực Kỹ thuật; tiếp đến là lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật, Sản xuất chế biến và sau đó là Kinh doanh và quản lý.
Trong 3 năm tới, từ 2023 - 2025, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các đơn vị sử dụng lao động vẫn tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực (sắp xếp theo thứ tự nhiều đến ít) Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kinh doanh - Quản lý, Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và công nghệ thông tin, Sức khỏe, Kiến trúc và Xây dựng, Toán và Thống kê, Khoa học Tự nhiên, Môi trường và bảo vệ môi trường, Pháp luật, Nông lâm và thủy sản.