Hàng loạt dự án cầu, đường “treo”
Điểm sáng hạ tầng có ý nghĩa quan trọng nhất với Thành phố Thủ Đức gần 2 năm qua là việc thông xe cầu Thủ Thiêm 2, nối hai bờ sông Sài Gòn giữa quận 1 và Thành phố Thủ Đức. Công trình hoàn thành giúp rút ngắn đáng kể thời gian đi từ Thành phố Thủ Đức đến trung tâm TPHCM.
Còn lại, hầu hết các dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố Thủ Đức hiện đang “đứng hình”, chậm tiến độ. Cụ thể, 3 cây cầu Nam Lý, Tăng Long và Long Đại có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng nhưng xây dang dở rồi “treo” suốt 3 - 4 năm qua do vướng mặt bằng. Dự án dừng thi công nhưng lô cốt và hàng rào công trình án ngữ trên đường gây kẹt xe vào các giờ cao điểm ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân.
Tương tự, dự án Vành đai 2 đoạn qua Thành phố Thủ Đức dài 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa được triển khai từ năm 2017 cũng đang dang dở.
Công trình đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng vốn hơn 2.700 tỉ đồng. Vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư khiến dự án dừng từ tháng 3.2020 đến nay, khi đạt khoảng 44% khối lượng.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được kỳ vọng thay đổi diện mạo giao thông Thành phố Thủ Đức, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021 nhưng đang lùi thời gian về đích cuối năm 2023.
Trong khi đó, dù là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM với các tỉnh nhưng cửa ngõ Thành phố Thủ Đức vẫn chật hẹp. Theo đó, Xa lộ Hà Nội vẫn còn khoảng 2 km từ bến xe Miền Đông mới đến cầu Đồng Nai chưa hoàn chỉnh mở rộng.
Tương tự, quốc lộ 13 nối TPHCM với Bình Dương, đi lên Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên nhưng 20 năm qua chưa được nâng cấp, mở rộng khiến giao thông thường xuyên ùn tắc.
Loạt dự án trọng điểm để “giải cứu” giao thông cảng Cát Lái cũng chưa triển khai hoặc thi công ì ạch như: Dự án nút giao thông Mỹ Thủy, mở rộng đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh….
Không chỉ kẹt xe, ngập nước cũng đang “bao vây” thành phố này. Những con đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân, Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt, khu Thảo Điền… nằm trong danh sách “hễ mưa lớn là ngập”. Sau mỗi trận mưa lớn, nước quá nửa bánh xe, hàng loạt phương tiện từ xe máy tới ôtô đều chết máy.
8 trung tâm đổi mới sáng tạo vẫn là ý tưởng
Khi thành lập, Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng trở thành một đô thị sáng tạo tương tác cao, một trung tâm kinh tế 4.0. Để thực hiện mục tiêu đó, Thành phố Thủ Đức được quy hoạch với 8 trung tâm đổi mới sáng tạo.
Cụ thể: Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc; Khu Công nghệ cao; Khu Đại học Quốc gia TPHCM; Khu Linh Trung kết nối Đại học Quốc gia và Khu Công nghệ cao; Trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa - Long Phước; Khu đô thị tương lai Trường Thọ; và Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam. Nhưng từ khi được phê duyệt đến nay, 8 trung tâm kể trên hiện vẫn chỉ là ý tưởng.
Cơ chế tài chính là một trong những điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển thành phố Thủ Đức. Trong năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố Thủ Đức là 10.350 tỉ đồng (đạt 124% so chỉ tiêu).
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực Thành phố Thủ Đức, năm 2022 đơn vị này được bố trí hơn 382 tỉ đồng vốn đầu tư cho giao thông, gồm cả vốn bồi thường giải phóng mặt bằng. Đây là nguồn vốn quá ít ỏi để tạo được một cú hích đột phá cho đầu tư hạ tầng giao thông.
Để giải quyết các bất cập trên, UBND TPHCM dự kiến đề xuất Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 một chương về cơ chế đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức.
Theo đó, TPHCM muốn phân bổ lại ngân sách, tỉ lệ chia ngân sách theo hướng tăng cường để lại nguồn thu cho Thành phố Thủ Đức.
Để đẩy nhanh các dự án trọng điểm, TPHCM kiến nghị cho phép HĐND thành phố Thủ Đức được quyết định chủ trương đầu tư, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức được quyết định đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn Thành phố Thủ Đức và dự án nhóm B, C sử dụng vốn ngân sách TPHCM trên địa bàn.
Để tránh tình trạng dự án “treo”, đối với dự án đầu tư công nhóm B, C không phân biệt nguồn vốn tại thành phố Thủ Đức, TPHCM kiến nghị chấp thuận cơ chế tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng, được phê duyệt chủ trương đầu tư độc lập. Các dự án xây lắp chỉ được thực hiện sau khi dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng đã thực hiện xong.
TPHCM cũng kiến nghị cho phép Thành phố Thủ Đức có cơ chế tiếp nhận các khoản hỗ trợ, đóng góp của người dân, doanh nghiệp trong đầu tư hạ tầng.