Ngày 6.9, Sở GTVT TPHCM phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP tổ chức hội nghị triển khai hoạt động đưa rước học sinh trên địa bàn TP năm học 2017 – 2018 nhằm tìm giải pháp nâng cao số lượng học sinh đến với xe buýt.
Theo Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) TPHCM, xe đưa rước học sinh, sinh viên có trợ giá ở TPHCM đã được triển khai từ năm học 2001-2002 với 14 trường tham gia, đến năm học 2012-2013 tăng lên 274 trường. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng trường tham gia dịch vụ đưa đón học sinh đang giảm mạnh.
Hiện nay, 16 quận huyện có trường tham gia dịch vụ xe đưa rước học sinh; trong đó học kỳ I là 141 trường, kỳ II có 134 trường. Số lượng trường tham gia đưa rước nhiều tập trung tại các huyện ngoại thành như: Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè chiếm 67% tổng số trường vận chuyển.
Để khuyến khích và hỗ trợ các tập thể, cá nhân tham gia hoạt động này, UBND TPHCM đã thực hiện hình thức trợ giá với mức là 2.830 đồng/lượt/học sinh, sinh viên, riêng trên địa bàn Cần Giờ là 3.537 đồng/lượt/học sinh, sinh viên; về số lượt trợ giá là 2 lượt/ngày, riêng tại Cần Giờ là 4 lượt/ngày.
Theo nhà trường, nguyên nhân khiến số lượng học sinh đi xe đưa rước giảm là do mặc dù được trợ giá nhưng chi phí đưa đón học sinh vẫn còn quá cao đối với nhiều hộ gia đình. Mặt khác, nhiều trường hợp học sinh đi học trễ vì kẹt xe, lộ trình xe không phù hợp. Còn theo phía doanh nghiệp vận tải, phần lớn xe đưa rước học sinh đã sử dụng trên 10 năm nên chất lượng xe giảm sút.
Ông Nguyễn Lâm Hải - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành VTHKCC TP cho biết, mức trợ giá từ năm 2006 đến nay áp dụng cho nhóm xe 12 chỗ không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Đơn cử như số lượt trợ giá trên địa bàn Cần Giờ là 4 lượt/ngày và 23 địa bàn còn lại là 2 lượt/ngày. Trên thực tế, việc trợ giá này đã không còn phù hợp, bởi số lượng học sinh có nhu cầu học 2 buổi/ngày tăng cao. “Do vậy các doanh nghiệp vận tải xe buýt chỉ hoạt động cầm chừng, không đầu tư phương tiện và nâng cao chất lượng dịch vụ” - ông Hải nói.
Ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành VTHKCC TPHCM cho biết sẽ tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các trường, các doanh nghiệp, các phòng giáo dục và sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các giải pháp thích hợp trong thời gian tới. “Qua đánh giá và tình hình thực tiễn đặt ra, Trung tâm sẽ có đánh giá sâu hơn nữa những nguyên nhân và đưa ra giải pháp để làm sao việc đưa đón học sinh theo chủ trương thành phố đến năm 2020 sẽ đảm bảo đạt 15 – 17% học sinh đi học bằng xe buýt.