Thông tin trên được Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM Trần Quang Lâm cho biết tại buổi chất vấn của HĐND TPHCM, ngày 11.7.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Hoàng Danh (Quận 12), đề nghị Giám đốc Sở GTVT nhận định về tính cấp bách của việc triển khai các dự án đường giao thông trên cao và thông tin về việc triển khai các tuyến đường trên cao trong thời gian tới? Tiến độ triển khai các dự án, trong đó có tuyến đường trên cao số 5 như thế nào?
Về việc này, ông Trần Quang Lâm cho biết, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM được Thủ tướng phê duyệt, chậm nhất đến năm 2020, TPHCM xây dựng xong tổng cộng 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài 70,7 km.
Trước đây, TPHCM cũng đã tổ chức kêu gọi đầu tư các tuyến đường trên cao và có một số nhà đầu tư quan tâm, tổ chức nghiên cứu. Chẳng hạn đường trên cao số 5 trước đây có Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), đường trên cao số 1 được Công ty cổ phân Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII), Công ty GS E&C (Hàn Quốc) nghiên cứu, đề xuất đầu tư.
Theo ông Lâm, các tuyến đường trên cao tổng mức đầu tư rất lớn, nhất là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Riêng đường trên cao số 5 (từ nút giao Trạm 2 đến An Sương) dài khoảng 21,5 km, tổng mức đầu tư hiện khoảng 12.000 tỉ đồng.
“Tuy các dự án đường trên cao đã có quy hoạch nhưng TPHCM phải cần rà soát lại để xem xét tính cấp thiết, khả năng cân đối vốn so với các dự án khác trên địa bàn. Từ đó đề xuất thời điểm đầu tư thực hiện đảm bảo tính khả thi, hiệu quả” – ông Lâm nói lý do thời gian qua chưa có tuyến đường trên cao nào được xây dựng.
Theo Giám đốc Sở GTVT, vấn đề đặt ra hiện nay là thành phố có làm đường trên cao nữa không. Ông Lâm cho biết hiện theo quy hoạch các tuyến đường trên cao vẫn còn. Tuy nhiên, trên cơ sở các tiêu chí, thành phố xác định những dự án nào ưu tiên trong từng giai đoạn để phát triển.
Cụ thể, đối với đường trên cao số 5, ngành giao thông thành phố đã nghiên cứu, so sánh, đánh giá kịch bản khi đường Vành đai 3, Vành đai 4 đưa vào khai thác nó tác động thế nào và tính cấp bách, cấp thiết của dự án này.
“Hiện nay, tổng vốn đường trên cao số 5 là 12.000 tỉ đồng, nếu đầu tư BOT thì ngân sách thành phố tham gia tối thiểu là hơn 6.000 tỉ đồng mới đảm bảo phương án tài chính. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ sự cần thiết và khả năng bố trí nguồn lực của thành phố. Các tuyến khác cũng cần nghiên cứu triển khai đầu tư, có thể chưa làm ngay trong giai đoạn này nhưng có thể làm ở giai đoạn sau” – ông Lâm nói.
Ngoài 5 tuyến đường trên cao đã có trong quy hoạch, ông Trần Quang Lâm cho biết nhà đầu tư đang nghiên cứu, đề xuất đầu tư tuyến đường trên cao Bắc – Nam TPHCM dài hơn 14 km, nối từ từ sân bay Tân Sơn Nhất đến khu Nam Thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 23.000 tỉ đồng.
“Với nguồn lực hạn chế, TPHCM đang ưu tiên đầu tư Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TPHCM – Mộc Bài, cầu đường Bình Tiên, cầu đường Nguyễn Khoái. Do đó, thành phố đang tìm nguồn vốn, phương thức đầu tư và chọn thời điểm đầu tư các tuyến đường trên cao làm sao cho hiệu quả” – ông Lâm nói.