Người dân còn nhiều e ngại
Cuộc sống đã trở lại trạng thái “bình thường mới” nhưng lượng khách đi xe buýt tại thành phố Cần Thơ vẫn còn rất ít. Các nhà chờ luôn trong tình trạng vắng hoe hoặc lác đác 1-2 khách chờ.
Chia sẻ việc hạn chế đi xe buýt, ông Lý Hoàng Long (67 tuổi. ngụ huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) nói: “Bây giờ ai cũng có xe máy riêng, đi lại rất thuận tiện, không phải phụ thuộc vào các tuyến đi của nhà xe nên mọi người ưa chuộng hơn. Gia đình tôi mỗi người đều có một chiếc xe máy, dịch bệnh thì tràn lan. Vì thế, tôi chủ trương tự do di chuyển, hạn chế sử dụng giao thông công cộng. Hầu như sau dịch COVID-19, cả gia đình không ai sử dụng đến xe buýt nữa".
Có thể nói, e ngại đó không chỉ riêng gia đình ông Long mà là thực trạng chung của nhiều người dân tại Cần Thơ. Việc phổ biến các phương tiện di chuyển cá nhân còn khiến xe buýt không còn là lựa chọn hàng đầu mà nhiều người sẽ ưu tiên chọn đi xe ôm truyền thống hoặc xe ôm công nghệ.
Ngoài ra, còn một lý do cũng được nhiều người dân Cần Thơ chia sẻ là do khoảng thời gian chờ xe buýt khá lâu, khoảng 30 phút mới có một chuyến nên không đủ kiên nhẫn để đợi.
“Một tuần, tôi đi về giữa Hậu Giang - Cần Thơ một lần để làm việc, một tháng cũng đi bốn lần. Tuy nhiên, mỗi lần đón xe phải đợi khá lâu, từ 30 đến 45 phút, có khi đến một tiếng. Vì lớn tuổi nên không thể tự lái xe máy đành phải đi xe buýt cho an toàn. Nhưng việc đợi xe lâu như thế cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt, nhất là vào những ngày thời tiết nắng nóng, hay mưa nhiều” - ông Lê Văn Mười (65 tuổi, Hậu Giang) chia sẻ.
Nhà xe lao đao nhưng vẫn kì vọng
Được đi làm lại sau mấy tháng nghỉ dịch, anh Nguyễn Thương (47 tuổi, nhân viên lái xe số 04, tuyến Sân bay Cần Thơ - Cái Cui, xe buýt Phương Trang) và nhân viên bán vé xe buýt cảm thấy rất vui mừng. Tuy nhiên niềm vui ấy chưa thật sự trọn vẹn vì hành khách còn khá thưa thớt. Thậm chí có khi khởi hành với xe trống.
“Tôi lái xe buýt đã được 14 năm. Mỗi ngày, xe của tôi khởi hành chuyến đầu lúc 5h30 sáng, và kết thúc chuyến cuối lúc 17h15. Hiện tại hành khách đi rất ít. Đa số, người đi xe buýt bây giờ chỉ còn một số người lớn tuổi, đi lấy thuốc bảo hiểm hoặc người đi buôn bán vé số thôi” - anh Thương cho biết.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phan Văn Nghĩa – Giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang, chi nhánh TP.Cần Thơ - thông tin doanh thu bình quân của một chiếc xe buýt Phương Trang mỗi ngày khá ít, chỉ từ 200.000 - 300.000 đồng, cao nhất cũng chỉ 500.000 đồng.
“Tình trạng này đã kéo dài từ đợt dịch đầu năm 2020 đến nay. Không chỉ công ty, mà cả ngành giao thông vận tải đều bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, xăng dầu tăng giá đột biến khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn về chi phí vận hành. Dẫu vậy, các doanh nghiệp vẫn “gồng mình” duy trì tần suất ổn định để đảm bảo di chuyển cho người dân, nhằm góp phần giảm ùng tắc giao thông” - ông Nghĩa thông tin thêm.
Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang là đơn vị phối hợp với Sở Giao thông vận tải TP.Cần Thơ mở 7 tuyến xe buýt chất lượng cao trong nội ô TP.Cần Thơ. Theo ông Nghĩa, trong này, chỉ có tuyến trọng tâm là Ba Láng - Ô Môn còn đảm bảo lượng khách tương đối. Những tuyến còn lại đi từ bến xe đến Sân bay Cần Thơ, công viên Sông Hậu, Bảy Ngàn, Phong Điền,... đều có lượng khách rất thấp.
Thực trạng xe buýt Cần Thơ chỉ lác đác vài người đến từ nhiều nguyên nhân. Ngoài lý do dịch bệnh, e ngại của người dân về luồng tuyến và tần suất hoạt động cũng là một “điểm nghẽn” lớn cho giao thông công cộng tại Cần Thơ.
Được biết, ngày 15.4, Phương Trang cũng vừa khai trương thêm tuyến xe buýt mới Ngã ba Lộ Tẻ - Ô Môn - Cờ Đỏ với hy vọng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Theo ông Nghĩa, đây là nnhững xe được đặt theo tiêu chuẩn châu Âu với 20 ghế ngồi/xe, có điều hòa, wifi để phục vụ hành khách. Tuy nhiên, việc có thể gia tăng lượng khách hay không vẫn còn là một thách thức lớn.