Bị cuốn vào vòng xoáy vay chỗ này đắp chỗ kia
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, trước đây, mỗi app, mỗi web chỉ sử dụng dữ liệu 1 lần cho vay, nhưng hiện nay, có những app, web sử dụng dữ liệu 1 lần cho mấy chục app nhỏ bên trong.
Chỉ cần gõ cụm từ "vay online" trên Google, sẽ hiện ra hàng trăm trang web, app giới thiệu cho vay với mức lãi được quảng cáo là thấp hay được vay không lãi suất 7 ngày chỉ trả gốc, nhưng nếu người nào nhẹ dạ cả tin nộp hồ sơ vay thì sẽ phát hiện ra mức lãi suất cho vay khá kinh khủng, chẳng hạn đã có trường hợp vay 7 ngày lãi suất từ 5-12%/ngày (vay 15 triệu, giải ngân 9 triệu, 7 ngày lãi 6 triệu)...
Chị Nguyễn Thị T - công nhân tại khu chế xuất Linh Trung, TP Thủ Đức - cho biết, trong tháng 12.2023 do chị bị bệnh, công ty lại cắt giảm nhân sự, nên chị đã theo một quảng cáo cho vay online do một người lạ gửi trên Zalo và vào một app vay tiền online có tên "dongxxx" và vay nhiều lần. Số tiền cuối cùng chị T được app này cho vay là 20 triệu, nhưng chị phải trả lãi với con số lên tới hơn 11 triệu sau một tháng vay.
Tổng số tiền chị T phải trả để tất toán khoản vay sau một tháng là hơn 31 triệu đồng. Nếu không thể trả nợ đúng hạn thì chỉ cần chậm trả lãi một hai ngày chị bị nhận khoản tiền phạt hơn 500 nghìn đồng. Phía app còn đưa ra mức phí gia hạn, chẳng hạn như 5 ngày là 2,2 triệu đồng, 10 ngày là 4,2 triệu đồng nhưng sau đó vẫn phải trả đủ số tiền hơn 31 triệu đồng. Và hiện nay chị T đang mất việc làm nên chị đang bị cuốn vào vòng xoáy vay chỗ này đắp chỗ kia để trả lãi vay tín dụng đen.
Một đặc điểm chung của các app cho vay nặng lãi hiện nay, đó là đã thay đổi cách tiếp cận cũng như xử lý nợ quá hạn khác với thời điểm trước đây.
Nhiều app cho vay khá "nhẹ nhàng" với khách hàng, không còn kiểu đòi nợ khủng bố, hăm dọa mà chuyển sang kiểu tư vấn làm sao để dễ dàng tất toán được khoản nợ.
Các tư vấn viên tiếp tục hướng dẫn người vay tiếp cận với một trang web tổng hợp, trên đó có hàng chục app cho vay khác với quảng cáo là không lãi suất cho khoản vay đầu tiên. Điều này khiến cho tâm lý người đang cần vay sẽ dễ dàng mắc bẫy hơn. Tuy nhiên, khi người vay tiến hành vay thì số tiền thực nhận đều bị trừ phí khá cao và đó là một kiểu lãi suất "vô hình"
Vì sao các app cho vay nặng lãi vẫn tung hoành
Trả lời cho câu hỏi vì sao các app cho vay nặng lãi vẫn tung hoành, các chuyên gia tài chính cho rằng, trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân lớn từ phía người vay.
TS Nguyễn Duy Phương, chuyên gia tài chính của DG Capital cho rằng, nhiều người dùng Việt Nam hiện nay, nhất là người lao động thu nhập thấp hay sinh viên, công nhân... bị thiếu tiền trọ, tiền ăn, cần mượn tiền cho các khoản chi tiêu cá nhân, gia đình, hoặc nhóm người thường chơi bài bạc, cá độ...
Những người này lại ngại gặp ngân hàng vì thủ tục hoặc không đủ điều kiện nên sẵn sàng đưa mọi thông tin cá nhân của mình lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo...
Tổng hợp các thông tin trên mạng có thể giúp các công cụ kỹ thuật "ngửi" được người dùng nào đang cần tiền nhưng khó vay mượn bạn bè, người thân quen. Đó là lúc các ứng dụng cho vay "đánh trúng tim đen" của khách hàng. Đó là nguồn cơn mà các app này vẫn đang vươn "vòi bạch tuộc" ngày càng dài, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn và cận Tết như hiện nay.