Trao đổi với PV Lao Động chiều 17.4.2020, ông Vũ Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết: Do trục trặc ở khâu vận chuyển, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi về cảng Việt Nam có muộn hơn so với kế hoạch, chứ không phải do các doanh nghiệp dừng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vì dịch COVID-19.
“Tôi cũng không hiểu một số phương tiện truyền thông lấy đâu ra thông tin nhiều doanh nghiệp, trong đó có C.P chỉ đủ nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đến tháng 5.2020” – ông Tuấn nói.
Theo ý kiến của nhiều chủ trang trại chăn nuôi lợn có tổng đàn lớn tại Đồng Nai, một số tàu chở nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về muộn hơn do mực nước tại các sông ở Argentina (quốc gia đứng đầu trong việc xuất khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi sang Việt Nam-PV) xuống thấp, ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, hoàn toàn không có chuyện các quốc gia cung cấp nguyên liệu dừng xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho biết, giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường có dấu hiệu tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất thịt lợn; làm tăng giá thành chăn nuôi gia cầm trong khi giá gia cầm xuất chuồng đang thấp, khiến người nuôi thua lỗ.
Tham khảo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, cho thấy: Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 2.2020 đạt 271 triệu USD, tăng 22,44% so với tháng trước đó và tăng 12,13% so với cùng tháng năm ngoái.
Các thị trường chính cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cho Việt Nam trong tháng 2.2020 vẫn là Argentina, Mỹ, Trung Quốc và Thái Lan...
Argentina trở thành thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam với 135 triệu USD, tăng 84,67% so với tháng trước đó và tăng 48,37% so với cùng tháng năm ngoái, nâng kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu 2 tháng đầu năm 2020 lên 209 triệu USD, tăng 3,36% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 42,4% thị phần” – ý kiến của giám đốc một cơ sở chuyên nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho biết.
Kế đến là thị trường Mỹ với kim ngạch nhập khẩu trong tháng 2.2020 đạt hơn 29 triệu USD, tăng 11,48% so với tháng 1.2020.
Đứng thứ ba là Trung Quốc với kim ngạch nhập khẩu hơn 11 triệu USD, tăng 9,58% so với tháng 1.2020 và tăng 52,17% so với tháng 2.2019…
Tuy nhiên, trước những thông tin về nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang cạn, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi khẩn trương chủ động rà soát và có giải pháp cân đối đủ nguồn nguyên liệu cho nhu cầu phát triển chăn nuôi trong nước theo các quý đến hết năm 2020.
Các doanh nghiệp tập hợp những khó khăn khách quan lớn có ảnh hưởng đến vấn đề sản xuất, cung ứng nguồn thức ăn chăn nuôi cho sản xuất và đề xuất các giải pháp kiến nghị với bộ, ngành, Chính phủ kịp thời tháo gỡ.
Các báo cáo, kiến nghị thực hiện bằng văn bản gửi về Cục Chăn nuôi trước ngày 25.4.2020.